Việc làm khan hiếm mùa dịch, người trẻ Trung Quốc đổ xô thi công chức
(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 gây ra những bất ổn kéo dài và khó khăn, áp lực trong cuộc sống và đây có thể là một phần nguyên nhân khiến nhiều người trẻ Trung Quốc muốn có một công việc ổn định.
Những tháng cuối năm vất vả đang chờ đón Adam Xu phía trước. Ngoài việc theo học khóa thạc sĩ quản trị công, thanh niên 25 tuổi này dự tính giành ít nhất 12h/ngày để ôn tập cho kỳ thi tuyển công chức quốc gia diễn ra vào tháng 11. Hy vọng của Xu là có thể trở lại quê nhà ở Quảng Đông để trở thành công chức nhà nước.
Câu chuyện của Xu là một ví dụ cho cái gọi là tâm lý "lên bờ", phản ánh mong muốn ngày càng gia tăng của những người trẻ rằng họ sẽ có việc làm trong khối nhà nước. Suy nghĩ này trái ngược với tư tưởng "xuống biển" của thế hệ trước - một phong trào trong thời kỳ cải cách và mở cửa của Trung Quốc bắt đầu vào cuối những năm 1970. Khi đó, nhiều người đã nghỉ việc nhà nước ra ngoài làm kinh doanh để khám phá một "biển" cơ hội làm ăn trước mắt.
"Biển bây giờ không còn đủ nước nữa rồi, vậy thì ai sẽ xuống biển đây? Thế hệ của chúng tôi còn không có một cái hồ bơi", Xu nói.
Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt, áp lực làm việc ngày càng tăng trong khu vực tư nhân, những bất ổn kéo dài do đại dịch Covid-19 gây ra, ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc muốn thi vào làm công chức nhà nước. Họ gọi những công việc này là "bát cơm manh áo" vì mang lại sự đảm bảo về công việc, thu nhập và phúc lợi ổn định hơn, và một tương lai dễ dự đoán hơn.
Cạnh tranh quyết liệt
Xu rất mong muốn có được một vị trí công chức nhưng anh hiểu rằng, điều đó sẽ không dễ dàng vì sự cạnh tranh là vô cùng quyết liệt.
Tổng cộng, 1,576 triệu ứng viên đã tham gia kỳ thi tuyển công chức quốc gia năm ngoái, cạnh tranh cho 25.726 vị trí - có nghĩa là cứ 61 người dự thi thì chỉ có một người có thể "vào bờ". Vị trí cạnh tranh quyết liệt nhất thuộc về chi nhánh Quảng Đông của Cục Thống kê Quốc gia, với 3.334 ứng viên nộp đơn vào một vị trí.
Xu hướng này ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Một khảo sát của công ty tìm việc làm Zhaopin hồi tháng 4 chỉ ra rằng 11,4% sinh viên mới tốt nghiệp hy vọng có thể kiếm được việc trong chính phủ, tăng gấp đôi năm trước.
Wang Yixin, giám đốc quan hệ công chúng tại Zhaopin, cho biết: "Tâm lý theo đuổi sự ổn định ngày càng mạnh mẽ hơn trong các sinh viên tốt nghiệp trong thời kỳ hậu đại dịch".
Suy nghĩ đó cũng phổ biến ở những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng trong nước, cũng như những người có bằng cấp ở nước ngoài. Trước đây, những sinh viên tốt nghiệp này có xu hướng theo đuổi những công việc được trả lương cao hơn trong khu vực tư nhân.
Một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu và tư vấn Ipsos thực hiện năm ngoái cho thấy gần một nửa sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp ở nước ngoài muốn làm việc trong khu vực công.
Tác động của đại dịch Covid-19
Tâm lý muốn kiếm việc nhà nước gia tăng trong năm nay do tác động kéo dài của Covid-19. Thêm vào đó, năm nay Trung Quốc sẽ có 9 triệu sinh viên mới ra trường, con số cao chưa từng có. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị với những người từ 16-24 tuổi là 15,4% vào tháng 6 - mức cao nhất kể từ tháng 9/2020, theo Cục Thống kê Quốc gia.
Theo Guo Lei, nhà kinh tế từ công ty GF Securities, nhóm 16-24 tuổi nói trên chủ yếu bao gồm những sinh viên mới tốt nghiệp trung học, trường dạy nghề và đại học. Nguyên nhân của tỷ lệ thất nghiệp tăng là do số lượng sinh viên tốt nghiệp ngày càng tăng trong khi cơ hội việc làm ngày càng giảm sau đại dịch.
Trong khi đó, bà Wang cũng chỉ ra áp lực mà nhóm trên phải đối mặt vì họ không chỉ phải cạnh tranh với những người tốt nghiệp cùng năm, mà còn với nhóm đã tốt nghiệp những năm trước nhưng chưa kiếm được việc làm, hoặc mất việc vì đại dịch.
Chính phủ Trung Quốc đã có những nỗ lực trong việc ổn định thị trường việc làm sau khi đại dịch bùng phát. Việc hỗ trợ cho các sinh viên tốt nghiệp đại học được xem là ưu tiên hàng đầu trong năm nay.
Tuy nhiên, tại khu vực tư nhân, nơi thường tiếp nhận hầu hết các cử nhân, đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục gặp khó khăn do các đợt phong tỏa và giá nguyên vật liệu tăng cao. Đây là những đơn vị cung cấp nhiều việc làm cho người trẻ Trung Quốc trong những năm qua.
Theo chuyên gia Wang, tâm lý không chắc chắn trong thời kỳ dịch bệnh sẽ khiến mong muốn ưu tiên tìm việc ổn định sẽ duy trì ít nhất 1-2 năm tới.
Chỉ vài năm trước, Xu cho biết, những công việc mơ ước của những người mới tốt nghiệp là làm việc trong khu việc tư nhân. "Giờ đây mọi người đều muốn vào bờ. Thời thế thay đổi thật nhanh", Xu nói.