1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Video tên lửa xuyên thủng tàu chiến Mỹ trong cuộc tập trận đánh chìm

Thành Đạt

(Dân trí) - Tàu chiến và máy bay của Mỹ cùng các đối tác đã phóng tên lửa đánh chìm chiến hạm loại biên trong cuộc tập trận RIMPAC trên Thái Bình Dương.

Hải quân Mỹ đã công bố video về cuộc tập trận đánh chìm (SINKEX) hôm 16/7 ở ngoài khơi vùng biển Hawaii. Đây là một nội dung trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2022 của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác nhằm tăng cường khả năng phối hợp và nâng cao năng lực tác chiến.

Đoạn video cho thấy các tàu chiến và máy bay Mỹ, phối hợp cùng Canada, Australia và Malaysia phóng tên lửa vào tàu USS Rodney M. Davis - khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry. Chiến hạm nổ tung và khói đen được nhìn thấy bốc lên từ tàu sau khi trúng tên lửa.

Video tàu chiến Mỹ nổ tung trong cuộc tập trận đánh chìm

Tàu USS Rodney M. Davis được đưa vào hoạt động từ năm 1987 và có gần 30 năm phục vụ các sứ mệnh ở Thái Bình Dương. Trước khi tham gia cuộc tập trận, tàu USS Rodney M. Davis đã bị loại biên từ năm 2015 và từng được cân nhắc tặng cho Ukraine vào năm 2018.

Hải quân Mỹ thông báo cuộc tập trận hải quân RIMPAC sẽ diễn ra từ ngày 29/6 đến ngày 4/8 tại khu vực gần quần đảo Hawaii và vùng biển phía nam bang California.

Trong cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới này, nước chủ nhà Mỹ sẽ tiếp đón lực lượng hải quân từ 25 quốc gia khác cùng tham gia. Trong số đó, giới truyền thông đặc biệt chú ý đến sự góp mặt của 3 thành viên nhóm "Bộ Tứ" (bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) cùng với tàu từ 5 nước Đông Nam Á (bao gồm Singapore, Thái Lan, Indonesia, Brunei và Philippines).

Tập trận RIMPAC năm nay có sự tham gia của 38 tàu mặt nước, 4 tàu ngầm và hơn 170 máy bay các loại. Lực lượng bộ binh từ 9 nước với tổng số 25.000 quân cũng sẽ tham gia cuộc tập trận này.

Hải quân Mỹ cho biết các bên tham gia RIMPAC 2022 sẽ "thực hiện nhiều cuộc diễn tập nhằm tăng cường khả năng và sự linh hoạt cần có của các lực lượng hàng hải". Các cuộc diễn tập có thể bao gồm các hoạt động cứu trợ thảm họa, bảo đảm an ninh hàng hải và các bài tập tác chiến phức tạp.

Ngoài ra, hải quân các nước tham dự RIMPAC cũng sẽ tham dự các chương trình đào tạo "phù hợp với thực tế", bao gồm các hoạt động đổ bộ, diễn tập pháo binh và tên lửa, chống tàu ngầm và phòng không.

"Trong thời gian diễn ra RIMPAC 2022, một mạng lưới các đối tác có năng lực sẽ được đào tạo và hoạt động cùng nhau để tăng cường năng lực tập thể của họ nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở hơn", Hải quân Mỹ nhấn mạnh.

Mặc dù RIMPAC được tổ chức thường niên, song cuộc tập trận năm nay vẫn được giới phân tích đặc biệt chú ý trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, bao gồm chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, cũng như mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hải quân Trung Quốc từng được mời tham dự RIMPAC từ năm 2014. Tuy nhiên, sau những hành động leo thang tại khu vực Biển Đông, Trung Quốc đã không tham gia RIMPAC từ năm 2018.

Theo The Drive