1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Video nghị sĩ Serbia lao vào ẩu đả dữ dội tại quốc hội

(Dân trí) - Do tranh cãi vì bất đồng quan điểm, các nhà lập pháp ở Serbia đã ẩu đả dữ dội ngay giữa tòa nhà quốc hội.

Video nghị sĩ Serbia ẩu đả dữ dội khi họp quốc hội

Video nghị sĩ Serbia lao vào ẩu đả dữ dội tại quốc hội - 1

Các nghị sĩ Serbia ẩu đả dữ dội (Ảnh: Ruptly)

Theo RT, các nghị sĩ Serbia ngày 27/12 đã lao vào “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” vì bất đồng quan điểm xung quanh việc nước láng giềng Montenegro tiến hành bỏ phiếu về dự luật liên quan tới quyền sở hữu tài sản của các nhà thờ. Trước đó, một cuộc ẩu đả cũng đã xảy ra tại quốc hội Montenegro liên quan tới dự luật này.

Tại Serbia, sự việc bắt đầu khi lãnh đạo đảng đối lập Dveri, ông Bosko Obradovic, cùng nghị sĩ Ivan Kostic mang 2 khẩu hiệu vào phòng họp quốc hội. Một khẩu hiệu viết: “Serbia, vì sao các bạn im lặng?” trong khi tấm còn lại viết “Vucic và Milo - anh em sinh đôi”. Khẩu hiệu thứ 2 nhằm công kích Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và người đồng cấp Montenegro Milo Djukanovic.

Các nghị sĩ có quan điểm đối lập đã cố gắng xông vào để xé bỏ các khẩu hiệu từ tay 2 nghị sĩ đối lập. Một cuộc ẩu đả dữ dội đã xảy ra với thêm nhiều nghị sĩ tham gia.

Tranh cãi tại Serbia đã nổ ra liên quan tới việc nước láng giềng Montenegro tiến hành bỏ phiếu liên quan tới một đạo luật tôn giáo gây tranh cãi vào cùng ngày. 

Serbia và Montenegro trước đây đều thuộc Cộng hòa Liên bang Nam Tư (Nam Tư cũ) từ năm 1992 cho tới khi Montenegro bỏ phiếu tuyên bố độc lập vào năm 2006.

Theo luật mới ở Montenegro, các cộng đồng tôn giáo sẽ phải chứng minh bằng chứng liên quan tới mọi tài sản mà họ sở hữu trước năm 1918 khi Montenegro cùng với Serbia thành lập Vương Quốc Nam Tư.

Video nghị sĩ Serbia lao vào ẩu đả dữ dội tại quốc hội - 2

Ẩu đả tại quốc hội Montenegro (Ảnh: E-news)

Các nghị sĩ đối lập Montenegro đã phản đối điều đó và gây gián đoạn cuộc bỏ phiếu. Động thái này đã dẫn tới tình trạng hỗn loạn và cảnh sát đã được gọi tới tòa nhà quốc hội để bắt giữ một số nghị sĩ.

Đạo luật của Montenegro đã làm bùng phát sự phản đối từ cộng đồng những người ủng hộ Giáo hội Chính thống Serbia. Họ lo ngại rằng đạo luật sẽ khiến các nhà thờ lịch sử biến mất. Chính quyền Serbia đã bác bỏ thông tin này.

Đức Hoàng

Theo RT