Video đầu tiên về đoạn vỡ dài 50m trên đường ống Dòng chảy phương Bắc
(Dân trí) - Thụy Điển đăng đoạn video đầu tiên cho thấy cận cảnh vụ rò rỉ đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 dưới biển Baltic, nghi là do bị phá hủy.
AFP đưa tin, ít nhất 50m đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đã bị phá hủy hoặc chôn vùi dưới đáy biển, sau các vụ nổ nghi là âm mưu phá hoại có chủ đích.
Trong đoạn video do báo Thụy Điển Expressen đăng tải hôm 18/10, có thể thấy một vết rách lớn và kim loại bị vặn xoắn ở đường ống sâu 80m dưới biển Baltic.
Đây là đoạn video đầu tiên được công bố về hiện trường vụ rò rỉ từ hồi cuối tháng trước. Theo tờ báo, các video được quay vào hôm 17/10 cho thấy hơn 50m đường ống bị hỏng hoặc bị chôn vùi dưới đáy biển, và có thể quan sát thấy những vết rách dài dưới đáy biển dẫn đến đường ống bị vỡ.
"Chỉ có thể có một lực cực mạnh mới có thể làm cong lớp kim loại dày như thế này", ông Trond Larsen từ công ty Blueye Robotics (Na Uy), nói với Expressen.
Ông Larsen, người đã lái một tàu lặn xuống để ghi hình đoạn video, cho hay, khu vực đáy biển gần chỗ đường ống bị vỡ để lại dấu vết cho thấy nó có thể đã bị tác động lực rất lớn trước đó.
Ngày 26/9, Thụy Điển và Đan Mạch ghi nhận sự cố rò rỉ 2 đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) sau khi một số vụ nổ lớn tương đương vài trăm kg thuốc nổ xảy ra.
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom tuyên bố, cả 2 tuyến A và B của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và tuyến A của Dòng chảy phương Bắc 2 đã hư hỏng ở mức chưa từng có tiền lệ và họ hiện không thể ước tính được thời điểm nào có thể sửa chữa xong.
Có tổng cộng 4 lỗ rò rỉ lớn trên đường ống chạy từ Nga sang Đức qua biển Baltic. Rất nhiều nghi vấn được đặt ra, song cả Nga và phương Tây đều nhất trí ở một điểm rằng, đây dường như là một vụ phá hoại có chủ đích.
Theo Newsweek, trong bối cảnh Nga - phương Tây đang căng thẳng trong cuộc chiến ở Ukraine, vụ rò rỉ 2 đường ống khí đốt có thể sẽ khiến tình hình thêm phức tạp hơn.
Trước đó, Mỹ và châu Âu nhiều lần cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung năng lượng để gây áp lực nhằm làm suy giảm sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine. Nga nhiều lần bác bỏ điều trên, cho rằng chính các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Moscow mới là nguyên nhân khiến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 không thể vận hành như bình thường.