1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Triều Tiên liên tục rung chấn sau khi thử bom hạt nhân 3 tháng?

(Dân trí) - BBC trích lời chuyên gia lý giải vì sao sau tận 3 tháng kể từ khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân lớn chưa từng có, rung chấn vẫn tiếp tục xảy ra ở bãi thử của Triều Tiên.

Các vụ thử hạt nhân Triều Tiên được thực hiện dưới lòng đất bãi thử Punggye-ri . (Ảnh: Reuters)
Các vụ thử hạt nhân Triều Tiên được thực hiện dưới lòng đất bãi thử Punggye-ri . (Ảnh: Reuters)

Vào ngày 9/12, cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) phát hiện ra 2 rung chấn ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri có cường độ 2,9 và 2,4 độ richter. Đây được cho là hệ quả của vụ thử hạt nhân hôm 3/9 mà Triều Tiên xác nhận là bom nhiệt hạch. Thời điểm đó, vụ thử nghiệm đã gây nên rung chấn 6,3 độ richter và các chuyên gia đã quan ngại rằng vụ nổ quá mạnh có thể khiến ngọn núi xung quanh bãi thử sụp đổ bất cứ lúc nào.

Theo USGS, 2 vụ rung chấn mới nhất xảy ra do vỏ trái đất bị dịch vì vụ thử hạt nhân. Các chuyên gia cho rằng chúng cần thời gian để ổn định trở lại.

Theo nhà địa chấn học và giáo sư vật lý Đại học California Jascha Polet, dư chấn xuất hiện sau vụ rung chấn 6,3 độ richter không có gì đáng ngạc nhiên. Sau mỗi rung chấn cường độ lớn như vậy, đất đá xung quanh khu vực sẽ di chuyển để giảm sức ép.

Các nhà khoa học đồng thời quan ngại về khả năng bãi thử hạt nhân Triều Tiên có thể sẽ bị phá hủy hệ thống hầm ngầm Triều Tiên đào trong núi gần bãi thử. Chuyên gia địa chất Mika McKinnon nhận định Triều Tiên càng thử nhiều ở bãi Punggye-ri, áp lực tạo ra càng mạnh và nền tảng địa chất cùng đất đá xung quanh bãi thử sẽ bị dịch chuyển dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống hầm.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm núi thiêng Paektu tuần trước. (Ảnh: KCNA)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm núi thiêng Paektu tuần trước. (Ảnh: KCNA)

Ngoài ra, các nhà khoa học còn đồng thời quan ngại về hiểm họa núi lửa “thức giấc” ở bãi thử Punggye-ri. Ngọn núi thiêng Paektu là một ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động. Bà McKinnon cho rằng dù sóng địa chấn tác động mạnh vào ngọn núi này cũng như dung nham magma dưới lòng núi lửa nhưng sẽ khó có một lực tác động đủ mạnh có thể khiến Paektu hoạt động trở lại. Bà Polet cũng cho biết trước giờ chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra sự tương quan giữa rung chấn sau các vụ thử hạt nhân với hoạt động phun trào của núi lửa.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như rất tin tưởng vào sự linh thiêng của ngọn núi lửa. Trong chuyến khảo sát ngày 9/12, ông Kim đã chinh phục Paektu nhằm nhấn mạnh tầm nhìn quân sự của ông cũng như mục tiêu vĩ đại của Triều Tiên nhằm hoàn thiện chương trình hạt nhân quốc gia.

Đức Hoàng

Theo BBC