1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao TPP chưa về đích?

(Dân trí) - Bộ trưởng thương mại 12 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã họp lần thứ 5, từ 28/7 đến 31/7, tại Hawaii (Mỹ). Trả lời báo chí quốc tế về kết quả cuộc họp, các nhà đàm phán cho biết đã “đạt được những tiến triển đáng kể, nhưng vẫn chưa thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng và hoàn chỉnh”. Mục tiêu cán đích như kỳ vọng đã không đạt được, khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao?

tpp-talk-hawaii-3323b

Đàm phán TPP kết thúc mà chưa thể đạt được sự đồng thuận như kỳ vọng (Ảnh: AP)

Tiến triển đáng kể…

TPP được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia - Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, Việt Nam.

Các vấn đề được nêu ra trong hiệp định gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp.

Những vấn đề nhạy cảm và khó khăn nhất trong đàm phán là: “làm thế nào để các nước có thể xuất khẩu nhiều gạo hơn vào Nhật Bản, xuất khẩu nhiều đường hơn vào Mỹ, tham gia sâu rộng hơn vào thị trường sữa Canada, và mở rộng bảo hộ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược phẩm?”.

Đại diện Thương mại Mỹ, Froman - Chủ trì cuộc họp báo, tuyên bố với tinh thần đàm phán tích cực, 12 nước tham gia TPP đã “đạt được những tiến triển đáng kể, nhưng vẫn chưa thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng và hoàn chỉnh”.

Ông Froman cho biết, một danh sách dài các vấn đề được đặt lên bàn đàm phán và phần lớn trong số đó đã đi đến thống nhất giữa các bên. Một bước tiến quan trọng trong lần họp này là các bên đều đồng ý về nguyên tắc các vấn đề liên quan tới bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Ông Froman còn lạc quan và “tự tin hơn bao giờ hết rằng ký kết TPP là việc trong tầm tay”, và các nhà đàm phán cũng sẽ tiếp tục các cuộc nói chuyện để đạt được mục tiêu này.

Các Bộ trưởng cũng khẳng định các tiến bộ đạt được trong tuần này phản ánh cam kết lâu dài nhằm mang lại một hiệp định TPP đầy tham vọng, toàn diện và tiêu chuẩn cao sẽ giúp cho việc làm và tăng trưởng kinh tế trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ghi nhận những kết quả của Hội nghị vừa kết thúc hôm thứ Sáu ở Hawaii, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông Osius cho rằng, việc tham gia vào TPP sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu hội nhập quốc tế toàn diện.

Ông Osius nói: “Trong tất cả các nước thành viên, Việt Nam ở vị thế được hưởng lợi nhiều nhất”. Nhận xét của Đại sứ Mỹ là phù hợp với kết luận của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson: “Việc Việt Nam tham gia TPP sẽ thúc đẩy GDP tăng trưởng đáng kể”.

Nhưng vẫn còn khó khăn…

Một số vấn đề chưa được giải quyết như: mở cửa thị trường sữa tại Canada, đường tại Mỹ và gạo tại Nhật Bản. Riêng yêu cầu của New Zealand về vấn đề các sản phẩm từ sữa được đánh giá là rất thách thức.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại New Zealand - Groser cho biết: “Chúng tôi sẽ không bị đẩy ra khỏi thỏa thuận này, khi mà các nước đã đồng ý tự do hóa thị trường và cũng như đã có những nhượng bộ đáng kể”.

Nếu như các hiệp định thương mại trước đây thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế để gia tăng hàng hóa thâm nhập thị trường các nước với giá rẻ hơn, thì TPP lại quan tâm nhiều hơn và mong muốn thiết lập nguyên tắc giúp các nhà kinh doanh buôn bán hàng hóa và dịch vụ dễ dàng hơn.

Được biết ngày 31/7, Malaysia và Việt Nam vẫn chưa nhất trí với các nước còn lại về việc mở cửa cho nhà thầu nước ngoài cung cấp hàng hóa cho Chính phủ, đưa doanh nghiệp nhà nước vào khu vực tư nhân và áp dụng các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngặt nghèo trong lĩnh vực dược phẩm.

Thứ trưởng Công Thương Việt Nam Cao Quốc Hưng xác nhận một số thoả thuận về vấn đề lao động cũng chưa được thông suốt, song Việt Nam và các nước vẫn đang tiếp tục đàm phán để tìm được tiếng nói chung.

Những dấu hiệu khó khăn xuất hiện vào ngày thứ 4 của cuộc đàm phán đã khiến không đạt được thỏa thuận cuối cùng như mục tiêu kỳ vọng. Bất đồng về lĩnh vực ô tô và sữa cũng vẫn chưa thể được giải quyết tận gốc.

Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề quan trọng như bảo hộ sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước đã gần đạt được thống nhất, vì vậy các nhà đàm phán sẽ không mất thêm nhiều thời gian để kết thúc phần việc còn lại cho các cuộc họp tiếp theo khi được khởi động lại.

Và có thể cơ hội bị bỏ lỡ…

Vòng đàm phán lần thứ 5 được coi là cơ hội cuối cùng để các bên tiến tới thỏa thuận. Nếu bỏ lỡ, các nước có thể phải chờ đến sau bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2017 mới có thể ký được TPP.

Theo giới quan sát, vòng đàm phán giữa các bộ trưởng lần này được kỳ vọng rất cao, khi đại điện các nước đều tỏ ra lạc quan. Mỹ và Nhật Bản - đã gần như giải quyết được các vấn đề lâu nay về hai vấn đề nhạy cảm nhất là nông sản và ô tô.

Hồi tháng trước, Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua Quyền đàm phán nhanh (TPA). Việc này sẽ giúp Tổng thống Mỹ - Barrack Obama xúc tiến đàm phán với 11 quốc gia còn lại trong TPP.

Tuy nhiên, sau hơn 4 ngày họp các Bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia TPP chỉ đưa ra thông báo khiêm tốn rằng: “đã đạt được tiến bộ đáng kể và sẽ tiếp tục làm việc về giải quyết một số lượng hạn chế các vấn đề còn lại”.

Mặc dù hội nghị đã kéo dài thêm gần 3 giờ đồng hồ, nhưng trong quá trình đàm phán lại nảy sinh nhiều vấn đề, mỗi quốc gia đều đưa ra những điều kiện riêng để xem xét và đòi hỏi sự nhượng bộ lẫn nhau… khiến không đạt được mục tiêu kết thúc đàm phán TPP.

Khi được hỏi về thời gian dự kiến tổ chức phiên họp sắp tới và kỳ vọng của các nước, ông Froman trưởng đoàn đàm phán Mỹ cho biết, sẽ tiếp tục đàm phán, kể cả song phương, về các vấn đề còn bế tắc. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa sắp xếp được thời gian cụ thể.

Vì thế, giới quan sát và dư luận cho rằng, việc TPP cán đích trong năm 2015 vẫn còn đang ở phía trước.

Nguyễn Nhâm

Dòng sự kiện: Kết thúc đàm phán TPP