1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Tổng thống Trump sẽ không động binh với Iran?

(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không sử dụng phương án quân sự với Iran vì lựa chọn này ẩn chứa nhiều rủi ro cho nước Mỹ và cả thế giới.

Vì sao Tổng thống Trump sẽ không động binh với Iran? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Ngày 14/9, hai nhà máy tại tập đoàn dầu khí Aramco, Ả rập Xê út bị tấn công, khiến sản lượng của quốc gia Trung Đông giảm 5,7 triệu thùng dầu. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc Iran đứng sau vụ việc dù phiến quân Houthi của Yemen đã nhận trách nhiệm.

Những ngày qua, căng thẳng tại khu vực tiếp tục leo thang khi Mỹ liên tục cáo buộc Tehran đứng sau vụ việc làm dấy lên mối quan ngại rằng Trung Đông sẽ tiến đến gần “miệng hố chiến tranh”.

Theo Foreign Policy, nếu kịch bản động binh xảy ra, thì đây có thể sẽ được coi là một cuộc chiến tranh dầu lửa tiếp theo của Mỹ tại Trung Đông. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đây là một cách hiểu chưa chính xác vì trong trường hợp này các lợi ích về dầu mỏ trong kịch bản tránh né chiến tranh lớn hơn nhiều so với việc khởi xướng một cuộc xung đột.

Một cuộc chiến ở vịnh Ba Tư có thể gây bất ổn cho hệ thống dầu mỏ toàn cầu. Nếu Mỹ tấn công Iran, đơn phương hay hợp tác với Ả rập Xê út và nhằm vào các cơ sở dầu khí của Tehran, những đòn đánh này có thể sản phản tác dụng. 

Mặc dù sản lượng dầu Iran đã giảm rõ rệt kể từ khi Mỹ tái áp lệnh trừng phạt lên Tehran từ năm 2018, nhưng Iran vẫn sản xuất được hơn 2 triệu thùng mỗi ngày và xuất khẩu khoảng nửa triệu thùng xăng và khí hóa lỏng. Các vụ không kích của Mỹ có thể sẽ làm ảnh hưởng tới nguồn cung này trên thị trường, trong khi các nhà sản xuất dầu lửa đang chật vật bù đắp cho những thiệt hại sau vụ Ả rập Xê út bị tấn công.

Ngoài ra, Tehran cũng cảnh báo sẽ đáp trả các hành động quân sự của Mỹ hay Ả rập Xê út. Nếu Tehran tấn công vào các cơ sở dầu khí của Riyadh, các cơ sở bổ sung sẽ bị mất năng lực sản xuất còn các hoạt động tái thiết và sửa chữa hai nhà máy Abqaiq và Khurais bị tấn công hôm 14/9 cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Vụ không kích này đã gây ra những tổn thất lớn hơn nhiều so với các chuyên gia phân tích sơ bộ khi nó nhằm vào các địa điểm cốt lõi với độ chính xác cao, trong đó có các bể chứa.

Ngay cả khi nếu Iran không phải là bên đứng sau vụ tấn công, thì Ả rập Xê út cũng xác định vũ khí Iran đã thực hiện vụ tấn công. Điều này sẽ làm dấy lên mối quan ngại rằng nếu Tehran tấn công Ả rập Xê út, Riaydh sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng khi năng lực phòng thủ của quốc gia này hiện đang bị hoài nghi sau vụ 14/9. 

Ngoài ra, Iran có thể đáp trả một cách gián tiếp Mỹ và Ả rập Xê út bằng cách ngăn chặn đường vận tải dầu mỏ. Quân đội Iran có thể triển khai hệ thống mìn và thuốc nổ trên vùng biển ở khu vực Vùng Vịnh và có thể gây ra ảnh hưởng tới nền công nghiệp dầu khí.

Vì sao Tổng thống Trump sẽ không động binh với Iran? - 2

Tàu Iran tại eo biển Hormuz. (Ảnh minh họa: AFP)

Cuối cùng, Iran có thể phong tỏa eo biển Hormuz, một địa điểm chiến lược và quan trọng của khu vực. Dù quân đội Iran chưa chắc đã vô hiệu tuyến đường này trong thời gian dài, nhưng động thái của Tehran chắc chắn sẽ gây chấn động cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Trong những tháng qua, khi căng thẳng Vùng Vịnh leo thang, chi phí bảo hiểm cho các tàu dầu đã tăng gấp 10 lần từ tháng 5 đến tháng 9. Mọi nỗ lực chặn đường vận tải dầu sẽ khiến cho thị trường bất ổn và giá dầu sẽ tiếp tục tăng do rủi ro về địa chính trị ngày càng leo thang.

Các quốc gia Vùng Vịnh, nhất là Ả rập Xê út sẽ chịu thiệt hại trên nhiều lĩnh vực. Các cơ sở dầu khí sẽ chịu thêm tổn thất và nước này sẽ mất thêm doanh thu do các hợp đồng dầu bị hoãn do tình hình căng thẳng. Thêm vào đó, uy tín của tập đoàn Aramco sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.  

Chính vì điều này, Tổng thống Trump dường như đang tỏ ra thận trọng để tránh căng thẳng leo thang. Dù Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, nhưng ông Trump hiểu rằng Washington không bị “miễn nhiễm” trước bất ổn của thị trường.

Đức Hoàng

Theo Foreign Policy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm