Vì sao Tổng thống Biden mắc Covid-19 dù đã tiêm 4 mũi vaccine?
(Dân trí) - Sự lây lan của biến thể mới và khả năng miễn dịch suy yếu của vaccine Covid-19 được cho là nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden bị nhiễm bệnh dù ông đã tiêm 4 mũi.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 21/7 thông báo, Tổng thống Joe Biden có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. Ông hiện có những triệu chứng rất nhẹ.
Ông Biden mắc Covid-19 một ngày sau khi trở về từ Massachusetts và Rhode Island để tham gia sự kiện về biến đổi khí hậu, và 4 ngày sau khi ông về nước sau chuyến công du Trung Đông.
Bà Jean-Pierre cho biết ông Biden đã bắt đầu sử dụng thuốc Paxlovid của hãng dược Pfizer để điều trị. Ông sẽ cách ly ở Nhà Trắng và vẫn tiếp tục công việc điều hành đất nước.
Theo New York Times, việc Tổng thống Biden mắc Covid-19 là bằng chứng rõ ràng cho thấy, mặc dù vẫn có tác dụng phòng ngừa, song vaccine không phải là lá chắn hoàn hảo như các nhà khoa học kỳ vọng.
Ông Biden đã tiêm 2 mũi vaccine Pfizer-BioNTech vào tháng 12/2020 và tháng 1/2021. Ông cũng tiêm thêm 2 mũi tăng cường vaccine Pfizer vào tháng 9/2021 và tháng 3/2022. Vì vậy, trường hợp của ông được gọi là "mắc Covid-19 đột phá".
Các nghiên cứu cho thấy những liều vaccine tăng cường đã tạo thành "bức tường thành" mạnh mẽ chống lại nguy cơ bệnh nặng. Do vậy, Tổng thống Biden cho đến nay vẫn chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính hôm 21/7.
Tuy nhiên, ngay cả những liều vaccine tăng cường cũng ít có khả năng bảo vệ hoàn toàn trước nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là với các biến thể mới nhất của Covid-19. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khả năng bảo vệ của vaccine sẽ suy yếu rõ rệt và nhanh chóng. Trong trường hợp của Tổng thống Biden, mũi vaccine tăng cường mà ông tiêm gần 4 tháng trước có thể đã mất gần hết tác dụng.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, các chuyên gia tin rằng vaccine đủ để ngăn chặn không chỉ nguy cơ bệnh nặng mà còn phần lớn nguy cơ lây nhiễm. Điều đó đúng với các biến thể trước đây của Covid-19, bao gồm biến thể Delta từng càn quét toàn cầu.
Tuy nhiên, biến thể Omicron đã dập tắt những hy vọng này. Khi ngày càng nhiều người có khả năng miễn dịch, cho dù là do bị nhiễm bệnh hay tiêm vaccine, virus đã "tiến hóa" để né tránh những biện pháp bảo vệ như vaccine. BA.1, biến thể phụ của Omicron lây lan vào mùa đông, vẫn có khả năng lây nhiễm ngay cả ở những người đã được tiêm liều vaccine tăng cường chỉ vài tuần trước đó.
Mỗi biến thể virus tiếp theo lại có khả năng né miễn dịch tốt hơn. BA.5, hiện chiếm gần 80% số ca nhiễm tại Mỹ, là biến thể đáng lo ngại nhất cho đến nay. Các dữ liệu được thu thập ở Qatar cho thấy, khả năng miễn dịch của cơ thể trước BA.5 yếu nhất so với các biến thể trước đó, dù khả năng miễn dịch này có được do từng mắc Covid-19 hoặc đã tiêm vaccine.
BA.5 cũng rất dễ lây lan. Mỹ hiện ghi nhận trung bình khoảng 130.000 ca nhiễm mỗi ngày. Tuy nhiên, con số thực tế được cho là cao hơn nhiều, vì hầu hết người dân tự xét nghiệm ở nhà hoặc không xét nghiệm.
Số ca nhập viện cũng tăng đột biến trong vài tuần qua, mặc dù BA.5 dường như không gây bệnh nặng hơn so với các biến thể Omicron khác.
Sau hơn 2 năm dịch bệnh bùng phát và hơn một triệu người Mỹ đã thiệt mạng vì Covid-19, quốc gia này hiện vẫn ghi nhận trung bình 353 ca tử vong mỗi ngày vì bệnh dịch, theo số liệu của trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.
Những người chưa tiêm chủng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 2 lần và có nguy cơ tử vong cao gấp 9 lần so với những người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.