1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Báo Mỹ: Nga có thể sẽ giữ 20% lãnh thổ Ukraine trong tương lai

Anh Minh

(Dân trí) - Các quan chức Mỹ cho rằng, trong thỏa thuận tiềm năng giữa Nga và Ukraine, Moscow có thể sẽ giữ lại khoảng 20% diện tích lãnh thổ mà Kiev đang tuyên bố chủ quyền.

Báo Mỹ: Nga có thể sẽ giữ 20% lãnh thổ Ukraine trong tương lai - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Trump Tower ở Thành phố New York, ngày 27/9/2024 (Ảnh: Reuters).

Báo New York Times (NYT) ngày 18/1 cho biết, trong các cuộc thảo luận riêng liên quan tới tương lai thỏa thuận hòa bình Nga - Ukraine, các quan chức Mỹ thừa nhận Moscow có thể sẽ giữ lại khoảng 20% diện tích lãnh thổ do Kiev tuyên bố chủ quyền. 

Theo NYT, đây là quan điểm của cả chính quyền Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden và nhóm cố vấn của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Do đó, bất kỳ lệnh ngừng bắn tiềm năng nào giữa Nga và Ukraine cũng có thể sẽ giống với lệnh ngừng bắn đạt được sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953. 

Ngày 27/7/1953, Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến nhưng cho tới nay vẫn chưa có một hiệp ước hòa bình chính thức nào được ký kết.

NYT cho biết, thỏa thuận tiềm năng giữa Nga và Ukraine nhiều khả năng cũng sẽ phải có một số hình thức đảm bảo an ninh nào đó. Đề xuất đang được xem xét hiện nay là thực thi lệnh ngừng bắn do lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Âu giám sát. Quân đội Anh, Đức và Pháp có thể sẽ cùng tham gia điều phối. 

Tuy nhiên, 2 quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden nói rằng vấn đề chính sẽ xoay quanh việc liệu chính quyền Donald Trump mới có tiếp tục cung cấp thông tin tình báo và vũ khí cho Ukraine hay không, trong khi vẫn cho phép Kiev tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bên trong nước Nga.

Hồi đầu tháng này, ông Michael Waltz, người được đề cử làm Cố vấn An ninh Quốc gia của chính quyền Donald Trump mới từng nói rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine nên chấm dứt bằng các biện pháp ngoại giao và "việc trục xuất mọi người Nga ra khỏi từng tấc đất của Ukraine, thậm chí ở cả Crimea là điều không thực tế".

Theo ông Waltz, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng đã chấp nhận quan điểm này.

Tháng 12/2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận Kiev không có đủ sức mạnh quân sự để giành lại toàn bộ lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền. 

Tuy nhiên, ông Zelensky bác bỏ bất kỳ sự nhượng bộ chính thức nào về lãnh thổ mà khẳng định Kiev sẽ phải tìm kiếm một con đường ngoại giao để đạt được mục tiêu của mình.