1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao thế giới liên tục tổ chức các hội nghị an ninh hạt nhân?

(Dân trí) - Trong 3 năm qua, thế giới đã 3 lần tổ chức các hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân. Hội nghị nào cũng thu hút sự tham dự của đông đảo nguyên thủ các nước cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này.

Vì sao thế giới liên tục tổ chức các hội nghị an ninh hạt nhân?
Kỹ thuật hạt nhân và đầu đạn hạt nhân - Vũ khí chính của thế kỷ 21.

Trong hai ngày 26-27/3, Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai diễn ra tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc với sự tham gia của 53 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo 4 tổ chức quốc tế lớn. Hội nghị lần này là sự kế tiếp Hội nghị thượng đỉnh giải trừ quân bị hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức năm 2009 và Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất diễn ra tại Washington vào năm 2010.

Các hội nghị thượng đỉnh này cho thấy an ninh hạt nhân đang trở thành một vấn đề nóng toàn cầu, đặc biệt khi trên bản đồ thế giới xuất hiện ngày càng nhiều các quốc gia muốn đặt chân vào “câu lạc bộ nước lớn hạt nhân”, trong khi các phần tử khủng bố cũng có xu hướng nhòm ngó các cơ sở hạt nhân và nguyên liệu hạt nhân để phục vụ ý đồ sản xuất vũ khí gây sát thương lớn

Nhớ lại trước đây, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nguy cơ chủ yếu mà loài người phải đối mặt chỉ là cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô. Nhưng nay, mối đe dọa này đã được mở rộng thêm nhiều. Không chỉ thế, nó còn mang những đặc điểm mới nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn.

Xét về số lượng, kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991 đến nay, số lượng các quốc gia sở hữu công nghệ chế tạo bom hạt nhân không chỉ dừng lại ở con số 2 nước là Mỹ và Nga như trước, mà đã được nhân lên gấp đôi, gồm thêm Ấn Độ và Pakistan.

Tuy nhiên, số lượng thành viên cuối cùng của câu lạc bộ này chắc chắn chưa thể dừng lại tại đây vì hiện tại cả Iran, Triều Tiên và Israel cũng đang nuôi tham vọng sở hữu loại vũ khí hạt nhân để có thể tự bảo vệ mình trước những mối đe dọa từ bên ngoài. Đó là chưa kể một số nước khác cũng đang ấp ủ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, động thái có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua hạt nhân nguy hiểm trên thế giới.

Trước sự mở rộng danh sách các nước sở hữu công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân như vậy, một hệ quả tất yếu là nguyên liệu hạt nhân sẽ ngày càng bị phân tán, các kỹ thuật chế tạo vũ khí hạt nhân cũng sẽ được truyền bá rộng rãi hơn. Tất cả sẽ đẩy tình hình an ninh quốc tế đối mặt với một cục diện phức tạp và gay go hơn nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Vấn đề an ninh hạt nhân, vì thế, cũng sẽ trở nên khó kiểm soát và khó dự đoán hơn nhiều so với thời kỳ trước khi Liên Xô tan rã.

Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tính đến năm 2011, toàn thế giới có tổng cộng 1.600 tấn urani làm giàu ở cấp độ cao và 500 tấn plutoni đã được phân tách, đủ để chế tạo khoảng 100.000 đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, còn có một lượng lớn urani làm giàu ở cấp độ thấp sử dụng cho các mục đích dân sự đang được phân tán khá rộng rãi và chưa được quản lý đúng mức

Cũng theo thống kê của IAEA, trong giai đoạn 1993-2011, các nước thành viên của IAEA đã đưa ra tới 2.100 báo cáo liên quan đến các vấn đề hạt nhân và những sự kiện như rò rỉ hay bị đánh cắp nguyên liệu phóng xạ. Cộng đồng quốc tế lo ngại nếu những nguyên liệu này rơi vào tay các phần tử khủng bố và tổ chức tội phạm quốc tế, chúng sẽ được chế tạo thành các đầu đạn hạt nhân, vũ khí chính của thế kỷ 21.

Bên cạnh đó, một mối nguy khác cũng cần được quan tâm đến là việc các phần tử khủng bố có thể sẽ tìm cách phá hoại cơ sở hạt nhân ở một số nước, gây nguy hại lớn cho an ninh hạt nhân nói riêng và an ninh toàn cầu nói chung. Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số I của Nhật Bản hồi năm ngoái là một hồi chuông cảnh báo cho vấn đề này, mặc dù yếu tố gây thảm họa ở đây mới chỉ là thiên nhiên (do động đất/sóng thần) chứ chưa phải là con người.

Vũ Anh