1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lãnh đạo thế giới đến Seoul dự thượng đỉnh an toàn hạt nhân

(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã bắt đầu đến Hàn Quốc để tham gia Hội nghị thượng đỉnh an toàn hạt nhân sẽ diễn ra trong hai ngày 26-27/3 tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

 
Lãnh đạo thế giới đến Seoul dự thượng đỉnh an toàn hạt nhân
Tổng thống Mỹ Obama (phải) tới Hàn Quốc ngày 24/3.
 
Máy bay của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã hạ cánh hôm thứ Bảy. Ông là một trong hơn 50 lãnh đạo các nước đến Seoul để dự Hội nghị thượng đỉnh an toàn hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng tại bán đảo Triều Tiên nói riêng và khu vực Đông Bắc Á nói chung, sau khi Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng vệ tinh quan sát Trái đất
 
Kwangmyongsong-3 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành trong thời gian từ ngày 12-16/4.

Phát biểu trước khi rời New Dehli, Thủ tướng Singh cảnh báo âm mưu khủng bố bằng hạt nhân vẫn là một thách thức lớn và cần phải được giải quyết.

Cũng trong ngày 24/3, hai nguyên thủ khác là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tyyip Erdogan và Nhà vua Abdullah của Jordan cũng đã tới Seoul.

Dự kiến, các nhà lãnh đạo khác của thế giới cũng sẽ lần lượt đến Hàn Quốc trong ngày hôm nay để tham dự hội nghị. Đây là một trong những sự kiện quốc tế lớn nhất mà Hàn Quốc đăng cai tổ chức, quy tụ hơn 50 nguyên thủ các nước, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.

Hội nghị diễn ra vào thời điểm Hàn Quốc chuẩn bị kỷ niệm 2 năm ngày chiến hạm Cheonan bị chìm ở vùng biển liên Triều làm 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng và giữa lúc căng thẳng đang gia tăng mạnh tại khu vực Đông Bắc Á sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng vệ tinh Kwangmyongsong-3 bằng tên lửa đẩy tầm xa Unha-3 vào trung tuần tháng tới.

Theo tuyên bố của Bình Nhưỡng, vụ phóng hoàn toàn nhằm mục đích nghiên cứu khoa học và nước này cũng đã chọn được quỹ đạo phù hợp để tránh va chạm với các nước láng giềng. Để chứng minh sự trong sạch của mình, Ủy ban Công nghệ Vũ trụ Triều Tiên cũng đã mời các chuyên gia quốc tế cùng các nhà báo đến thăm Trung tâm phóng vệ tinh Sohae và một số địa điểm khác để theo dõi vụ phóng.

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế vẫn đặc biệt quan ngại về kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên, cho đây chỉ là vỏ bọc che dấu mục đích tiến hành thử nghiệm tên lửa tầm xa thế hệ thứ ba của nước này.

Theo giới chuyên gia, hiện Triều Tiên đã phát triển được tên lửa đạn đạo tầm xa thế hệ thứ ba có tầm bắn lên tới gần 4.000 km, tức có thể bắn tới tận bang Alaska của nước Mỹ.

Vũ Anh
Theo Reuters