1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Taliban chưa thể diệt tận gốc "kẻ thù không đội trời chung" ISIS-K?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Dù đã cam kết sẽ không để Afghanistan thành nơi trỗi dậy của khủng bố và coi ISIS-K là đối thủ "không đội trời chung", nhưng Taliban dường như gặp trở ngại trong việc diệt tận gốc nhóm này.

Vì sao Taliban chưa thể diệt tận gốc kẻ thù không đội trời chung ISIS-K? - 1

Các tay súng Taliban ở Afghanistan (Ảnh: Reuters).

Sau ngày 15/8, khi Taliban giành được quyền kiểm soát đất nước, chân rết của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Afghanistan - ISIS-K- đã trở thành "cái gai" trong mắt Taliban.

ISIS-K, "đối thủ không đội trời chung" với Taliban, xung đột về mặt ý thức hệ với nhóm đang kiểm soát Afghanistan. Theo BBC, quan điểm của Taliban là xây dựng nhà nước Hồi giáo gói gọn trong lãnh thổ Afghanistan, trong khi IS và ISIS-K đi theo hệ tư tưởng cực đoan, tàn bạo và chúng thường tấn công vào các mục tiêu phương Tây, quốc tế và nhân đạo ở bất cứ nơi nào chúng có thể tiếp cận.

Trên thực tế, trong thời gian qua, ISIS-K đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công kinh hoàng, gây ra mối đe dọa tới mục tiêu duy trì quyền lực của Taliban.

Bắt đầu từ vụ tấn công liều chết ở sân bay Kabul hồi cuối tháng 8 làm hàng trăm người chết, trong đó có 13 quân nhân Mỹ, ISIS-K bắt đầu gia tăng tần suất thực hiện hành vi khủng bố đẫm máu.

Ngày 16/10, chúng nhận trách nhiệm vụ tấn công vào một thánh đường Hồi giáo dòng Shiite tại Kandahar làm 60 người chết. Chỉ một tuần trước đó, ISIS-K thực hiện vụ tấn công dã man vào một thánh đường Hồi giáo Shiite ở Kunduz làm 50 người chết và hơn 140 người bị thương.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, thời điểm mà Taliban vẫn chưa lên nắm quyền, một thống kê của Liên Hợp Quốc chỉ ra ISIS-K đã thực hiện 77 vụ tấn công, dấu hiệu cho thấy chúng vẫn chưa yếu đi như một số chuyên gia nhận định.

Các vụ tấn công của ISIS-K có mục tiêu làm suy yếu vị thế của Taliban, gây ra nghi ngờ về khả năng của nhóm vũ trang trong việc quản lý và cung cấp an ninh kinh tế và xã hội cho người Afghanistan.

Hồi tháng 6 năm nay, một báo cáo của Liên Hợp Quốc chỉ ra, các phần tử đầu sỏ của IS ở Syria và Iraq coi Afghanistan là "căn cứ để mở rộng tầm ảnh hưởng" của chúng tới khu vực Trung Á và Nam Á nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng đế chế Hồi giáo quy mô rộng lớn ở khu vực và toàn cầu.

Bản báo cáo chỉ ra một làn sóng gia tăng các phần tử khủng bố nước ngoài kéo tới Afghanistan từ khắp thế giới để gia nhập ISIS-K.

Sự xung đột về mặt mục tiêu của Taliban và ISIS-K đã khiến nhiều nhóm phiến quân người Uzbek, Tajik, Duy Ngô Nhĩ, gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Afghanistan không còn muốn theo phe Taliban, mà muốn theo ISIS-K.

Đặt sào huyệt ở tỉnh Nangarhar với khoảng hơn 2.000 phần tử khủng bố, ISIS-K đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng với Taliban và cả những nước ở khu vực.

Thế khó của Taliban trong việc đối phó ISIS-K

Vì sao Taliban chưa thể diệt tận gốc kẻ thù không đội trời chung ISIS-K? - 2

Các phần tử khủng bố ISIS-K (Ảnh: NY Post).

Taliban đang phải hứng chịu áp lực về việc tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa khủng bố như là một điều kiện để họ có thể thuyết phục cộng đồng quốc tế thừa nhận họ. Họ cũng cam kết rằng sẽ không để nhóm khủng bố nào được phép hoạt động ở lãnh thổ Afghanistan. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lời nói thường dễ hơn hành động và Taliban dường như hiểu rằng việc loại bỏ ISIS-K không phải là chuyện dễ dàng.

ISIS-K là tập hợp của các cựu chỉ huy chiến trường, cựu thành viên của Taliban đã đổi phe, cùng các phần tử chiến binh thánh chiến xuyên quốc gia. Mối quan hệ rối rắm với ISIS-K là nguyên nhân khiến Taliban không thể mạnh tay với nhóm khủng bố này vì lo ngại quyền lực của họ tại Afghanistan sẽ bị ảnh hưởng.

Ví dụ, lãnh đạo ISIS-K hiện tại là Shahab al-Mohajir, vốn từng là một cựu đặc nhiệm Haqqanis, nhóm trực thuộc Taliban. Tương tự, Mullah Abdul Rauf Khadem, người từng tham gia vào chính quyền do Taliban lập ra 20 năm trước, là người lập ra ISIS-K ở các tỉnh Helmand và Farah.

Thêm vào đó, sự đa dạng về sắc tộc của các thành viên trong nội bộ ISIS-K gây ra thách thức khác cho Taliban. Vụ tấn công ở Kunduz được thực hiện bởi một phần tử người Duy Ngô Nhĩ cho thấy thành viên các nhóm phiến quân như ETIM dường như có thể đã quay sang gia nhập ISIS-K. ETIM trước đây là nhóm có quan hệ đồng minh với Taliban trong nhiều năm.

ISIS-K được cho cũng tích cực lôi kéo thành viên trong hàng ngũ Taliban, tận dụng mâu thuẫn của họ trong nội bộ Taliban để gợi ý họ đào tẩu.

Ngoài ra, lãnh đạo ISIS-K al-Muhajir được cho vẫn có quan hệ trực tiếp và gần gũi với lực lượng Haqqanis thuộc Taliban. Haqqanis được xem là nhánh vũ trang thiện chiến nhất của Taliban và có nhiều thông tin cho rằng, một số vụ tấn công quy mô lớn ở Afghanistan vài năm trở lại đây có sự hợp tác giữa ISIS-K và Haqqanis.

Chính vì vậy, bất cứ vụ tấn công quy mô lớn nào vào ISIS-K có thể gây ra kịch bản mâu thuẫn trong chính nội bộ Taliban do mối quan hệ chồng chéo và phức tạp giữa các bên.

Sự chần chừ của Taliban trong việc tấn công ISIS-K dường như thể hiện rõ trong cuộc đối thoại giữa lực lượng này và Mỹ ở Qatar gần đây. Taliban thẳng thừng từ chối đề nghị của Mỹ nhằm hợp tác tiêu diệt khủng bố. Việc hợp tác với Mỹ gần như chắc chắn sẽ khiến nhiều tay súng Taliban có quan điểm cực đoan quyết định rời hàng ngũ sang ISIS-K, theo Asia Times.

Sự phức tạp này đẩy Taliban vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi họ vẫn đang thuyết phục thế giới công nhận họ, nhưng nếu họ không hành động quyết liệt để chống khủng bố thì viễn cảnh này không thể xảy ra.