Bên trong "trại cai nghiện" hà khắc nhất thế giới của Taliban
(Dân trí) - Taliban đã đưa những người nghiện ma túy vào một trung tâm để quản lý, trong bối cảnh người Afghanistan khốn khổ vì nghiện ngập.
Afghanistan sản xuất đến 90% lượng thuốc phiện trên toàn thế giới và rất nhiều người dân nước này bị hủy hoại cuộc sống vì ma túy. Tuy nhiên, Taliban đã thiết lập chính sách cai nghiện được xem là hà khắc nhất thế giới để đưa người dân Afghanistan trở lại cuộc sống bình thường.
Sau khi lên nắm quyền, các quan chức Taliban tuyên bố sẽ triệt phá ngành công nghiệp thuốc phiện sầm uất tại Afghanistan. Là quốc gia có nguồn cung thuốc phiện lớn nhất thế giới, nhiều người Afghanistan vô gia cư và nghèo khổ, đặc biệt là nam giới, đã tìm đến công việc buôn bán thuốc phiện.
Trước khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul vào ngày 15/8, cảnh sát thỉnh thoảng cũng bắt giữ những người nghiện và chuyển đến trung tâm. Nhưng kể từ khi các tay súng Hồi giáo theo đường lối cứng rắn lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, tần suất các cuộc đột kích nhằm vào các khu vực tập trung người nghiện tăng lên.
Đầu tháng này, Taliban đã bắt 150 người nghiện trong khu phố nghèo Guzargah ở thủ đô Kabul. Tại đây, nước thải chảy thẳng xuống lòng sông lầy lội. Mùi hôi thối của chất thải và bãi nôn bao trùm trong "hang ổ" đông đúc của người nghiện. Những đồ đạc của người nghiện như ống tiêm, giấy bạc, tẩu thuốc nằm rải rác khắp nơi.
Các tay súng Taliban bắn một vài phát súng chỉ thiên để khẳng định quyền lực và đánh thức các con nghiện, trước khi đám đông bị vây bắt và lùa đi. Hàng trăm người nghiện sống trong điều kiện tồi tàn, nơi tràn ngập tội phạm và thuốc phiện ở Pul-e-Sukhta, bên dưới một cây cầu ở phía tây Kabul.
Khi phát hiện có xe cứu thương của trung tâm Ibn Sina chạy tới, những người có thể nhấc mình khỏi mặt đất đầy máu sẽ chạy xuống sông Paghman để tránh bị bắt, còn những người đang say thuốc vẫn nằm lại.
Các chiến binh Taliban được trang bị súng M16 và AK-47 đã đột kích và bắt những người nghiện chưa kịp tẩu thoát lên xe. 2 bên vật lộn với nhau trước khi tất cả được đưa về trung tâm y tế Ibn Sina, nơi họ phải trải qua 45 ngày sống trong cảnh hà khắc.
1.000 giường bệnh tại trung tâm Ibn Sina đã chờ sẵn những người nghiện. Sau khi tới trung tâm, họ được cạo trọc đầu để ngăn chấy rận và được đưa đi tắm gội theo từng nhóm. Một số người được đưa đến những phòng riêng có khoảng 5 chiếc giường, trong khi những người khác bị dồn vào khu ký túc xá, ở chung với khoảng 30 người đàn ông thuộc đủ lứa tuổi.
Các bác sĩ tại trung tâm cho biết họ sẽ cung cấp một lượng methadone nhỏ cho những người nghiện. Đây là loại thuốc giảm đau cường độ cao được sử dụng để ngăn những cơn nghiện ma túy và là liệu pháp điều trị thay thế trong trung tâm. Tuy nhiên, hiện trung tâm không còn nhiều methadone và việc loại bỏ hoàn toàn những cơn nghiện là điều rất khó.
Những người nghiện được đưa vào trung tâm cũng bị đốt hết đồ đạc. Họ được khám xét kỹ lưỡng trước khi được bắt đầu cuộc sống cai nghiện khắc nghiệt tại trung tâm. Các nhân viên tại trung tâm sẽ kiểm tra từng bộ quần áo và đôi giày của họ để đảm bảo không còn chỗ cất giấu ma túy.
Theo các chuyên gia về phòng chống ma túy, 11% trong số 34 triệu dân Afghanistan sử dụng ma túy, trong đó 4-6% là đối tượng nghiện nặng. Kể từ khi lên nắm quyền, Taliban đã tuyên bố không cho phép sản xuất ma túy. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn ma túy khỏi đất nước này vẫn là một nhiệm vụ khó khăn.