Vì sao quyết định của ông Trump về cao nguyên Golan khiến Trung Đông dậy sóng?
(Dân trí) - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel đang khiến dư luận dậy sóng. Giới quan sát lo ngại, động thái này có thể kéo theo tiền lệ nguy hiểm.
Trong một động thái đảo ngược chính sách chưa từng có trong lịch sử hàng chục năm qua của Mỹ, Tổng thống Donald Trump ngày 25/3 chính thức ký sắc lệnh công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của đồng minh Israel.
Động thái này ngay lập tức đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế. Liên Hợp Quốc tuyên bố, bất chấp sắc lệnh này, hiện trạng của cao nguyên Golan vẫn không thay đổi như đã phản ánh trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Nga cảnh báo, quyết định công nhận Golan thuộc chủ quyền Israel có thể làm leo thang căng thẳng ở “điểm nóng” Trung Đông này. Các nước Ả rập cũng chỉ trích động thái của người đứng đầu Nhà Trắng là “không thể chấp nhận được”.
Tài sản chiến lược
Israel đã giành quyền kiểm soát 5 vùng lãnh thổ từ ba quốc gia trong Chiến tranh 1967: Dải Gaza và bán đảo Sinai từ Ai Cập, Đông Jerusalem và Bờ Tây từ Jordan và Cao nguyên Golan từ Syria. Năm 1981, chính phủ Israel tuyên bố sáp nhập Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan vào lãnh thổ, mở rộng vĩnh viễn các ranh giới của mình, song không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Israel và Syria đã tiến hành một số vòng đàm phán về vấn đề cao nguyên Golan, gần đây nhất là vào năm 2010. Tuy nhiên, quá trình đàm phán này bị gián đoạn sau khi Syria rơi vào nội chiến kể từ năm 2011. Tuy nhiên, Syria vẫn đề nghị Israel trao trả lại khu vực này.
Cao nguyên Golan là một vùng lãnh thổ kéo dài khoảng 65km từ bắc đến nam và 19km từ đông đến tây. Đây được coi là khu vực cao nguyên chiến lược từ đó có thể bao quát một vùng rộng lớn của Syria và Thung lũng Jordan.
Nó được coi là vị trí chiến lược về quân sự cho cả Syria và Israel. Israel cũng coi đây là "vùng đệm" để củng cố phòng vệ.
Ngoài giá trị về quân sự, cao nguyên Golan cũng được coi là tài sản chiến lược với tài nguyên nước và đất đai màu mỡ. Israel sử dụng khoảng 1/3 nguồn nước từ cao nguyên Golan.
Cao nguyên Golan cũng có trữ lượng dầu mỏ đáng kể. Các cuộc khoan thăm dò cho thấy, trữ lượng dầu của khu vực này có thể lên tới hàng tỷ thùng.
Toan tính chính trị
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: Reuters)
Giới chuyên gia cho rằng, việc Tổng thống Trump ký sắc lệnh công nhận Golan thuộc Israel vào thời điểm này dường như là một toan tính chính trị nhằm tạo cú hích cho chiến dịch tái tranh cử của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc bầu cử vào ngày 9/4 tới.
Michael Koplow, giám đốc chính sách tại Diễn đàn chính sách Israel có trụ sở tại New York, quyết định công nhận Golan của ông Trump “hoàn toàn vì cuộc bầu cử sắp tới ở Israel”.
Đây không phải lần đầu tiên ông Trump đi ngược lại thông lệ quốc tế để ủng hộ quan điểm của Israel. Năm 2017, ông Trump từng gây tranh cãi khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Tuy nhiên, Dina Badie, phó giáo sư nghiên cứu chính trị và quốc tế tại Center College, cho rằng quyết định của ông Trump công nhận Golan thuộc chủ quyền của Israel sẽ vấp phải những khó khăn tương tự quyết định công nhận Jerusalem hồi năm ngoái.
Chuyên gia này đưa ra hai lý do. Thứ nhất, quyết định đó đảo ngược chính sách nhất quán nhiều thập niên qua của Mỹ yêu cầu bất kỳ sự công nhận lãnh thổ nào cũng phải là kết quả của các cuộc đàm phán trực tiếp, thay vì tuyên bố đơn phương. Thứ hai, nó đi ngược lại với quan điểm của đa số cộng đồng quốc tế.
Nguy cơ tạo tiền lệ nguy hiểm
Hãng tin DW của Đức dẫn nhận định của ông Hussein Ibish, học giả cấp cao tại Viện nghiên cứu các quốc gia Ả rập tại Washington, cảnh báo quyết định của ông Trump công nhận cao nguyên Golan thuộc Israel có thể tạo ra "tiền lệ nguy hiểm".
"Mối đe dọa lớn nhất là sự tác động mang tính toàn cầu và lâu dài. Với việc công nhận cao nguyên Golan là của Israel, Washington có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm rằng bất cứ nước nào cũng có thể khẳng định chủ quyền với một vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng đủ lâu và chỉ cần đề nghị các quốc gia khác công nhận thực tế đó", ông Hussein Ibish nói.
Nhiều người lo ngại, công nhận Golan thuộc Israel có thể tạo tiền lệ cho vấn đề Bờ Tây. Thực tế, liên minh cánh hữu của Thủ tướng Israel Netanyahu từ lâu ra sức vận động để sáp nhập toàn bộ hay một phần Bờ Tây vào lãnh thổ - một động thái khiến người Palestine giận dữ.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, việc công nhận này có thể làm phức tạp hơn các kế hoạch hòa bình Trung Đông bị trì hoãn lâu nay của Mỹ.
Minh Phương
Theo BBC, DW, CNA