1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do Mỹ muốn công nhận chủ quyền của Israel với Cao nguyên Golan

Tuyên bố của Tổng thống Trump được cho là tạo lợi thế trước thềm bầu cử cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - người đang bị cáo buộc tham nhũng.

Trong một tuyên bố trên Twitter ngày 21/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng: “Sau 52 năm, đã đến lúc Mỹ công nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, vốn có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược và an ninh với nhà nước Israel và ổn định khu vực”.

Lý do Mỹ muốn công nhận chủ quyền của Israel với Cao nguyên Golan - 1..jpeg

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Middle East Mornitor

Tháng 12/2017, Tổng thống Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ tới thành phố thánh địa này hồi năm ngoái.

Tuyên bố của Tổng thống Trump đã trao cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một chiến thắng ngoại giao, khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử quan trọng, quyết định ông có tiếp tục nắm quyền Thủ tướng Israel hay không.

Tổng thống Trump cũng sẽ tiếp đón Thủ tướng Israel Netanyahu tại Nhà Trắng vào ngày 25-26/3 tới.

“Món quà” trước thềm bầu cử Israel

Tín nhiệm của Tổng thống Trump ở Israel là khá cao và tuyên bố muốn công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan được cho là có thể tác động đến kết quả bầu cử ở Israel, theo hướng có lợi cho Thủ tướng Israel.

Thủ tướng Netanyahu đã nhanh chóng gửi lời cám ơn tới Tổng thống Trump trên Twitter: “Ở thời điểm khi mà Iran tìm cách sử dụng Syria như một bàn đạp để hủy hoại Israel, Tổng thống Trump đã táo bạo thừa nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan. Cám ơn Tổng thống Trump”.

Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết, trong một cuộc điện đàm ngắn giữa 2 nhà lãnh đạo ngay sau đó, Thủ tướng Netanyahu nói với Tổng thống Trump rằng: “Ngài đã làm nên lịch sử”.

Hiện chưa rõ liệu Nhà Trắng có công bố thông tin chi tiết về động thái công nhận cao nguyên Golan là một phần của Israel sau dòng Tweet của Tổng thống Trump hay không.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta dưới thời Tổng thống Barack Obama nói rằng, động thái này “dấy lên rất nhiều lo ngại” và sẽ rất khó để không coi đây là một nỗ lực nhằm củng cố cơ hội để ông Netanyahu tiếp tục làm Thủ tướng ở Israel.

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ nói với CNN rằng, quyết định của Tổng thống Trump đã được hình thành từ vài tuần trước.

Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman và Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Lindsey Graham đã có chuyến thăm cao nguyên Golan đầu tháng 3 cùng với Thủ tướng Israel, một dấu hiệu sớm cho thấy Tổng thống Trump đang chuẩn bị cho việc thừa nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên này.

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng được đưa ra trong tuần này, khi Tổng thống Trump có cuộc họp với các quan chức cấp cao. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, cố vấn cấp cao Jared Kushner và đặc phái viên về các cuộc đàm phán quốc tế Jason Greenblatt đã được tham vấn và họ đều ủng hộ động thái của Tổng thống Trump.

Quan chức giấu tên này từ chối cho biết liệu giới chức Mỹ đã xem xét đến tác động của một quyết định như vậy đối với các cuộc bầu cử ở Israel hay chưa.

Phản ứng của các  bên

Quyết định này là động thái đơn phương gây trãnh cãi mới nhất mà Tổng thống Trump đưa ra liên quan đến Israel, và chắc chắn nó sẽ đối mặt với những phản ứng mạnh mẽ trong khu vực.

Phản ứng về tuyên bố mới nhất của Tổng thống Trump, Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine Saeb Erekat, đăng tải trên Twitter rằng: “Ngày mai sẽ mang lại điều gì? Chắc chắn là sự bất ổn và đổ máu trong khu vực của chúng ta”.
 
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định quan điểm của Ankara ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. “Sự toàn vẹn lãnh thổ là quy tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế. Những nỗ lực của Mỹ nhằm hợp pháp hóa các hành động chống lại luật pháp quốc tế của Israel sẽ chỉ dẫn tới thêm bạo lực trong khu vực”.

Một quan chức ngoại giao tại khu vực nói với CNN rằng, tuyên bố của Tổng thống Trump cho thấy chính quyền Mỹ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của Israel.

Israel chiếm cao nguyên Golan từ Syria trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967 và chính thức sáp nhập vùng đất này năm 1981. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không công nhận việc Israel sáp nhập cao nguyên Golan, chỉ xem cao nguyên này là vùng lãnh thổ chiếm đóng và các khu định cư của Israel tại đây là vi phạm luật quốc tế.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Geir Pedersen mới đây cũng đã khẳng định lại quan điểm này. “Hội đồng Bảo an đã nói rất rõ ràng rằng Cao nguyên Golan là lãnh thổ của Syria, và điều đầu tiên trong nghị quyết 2254 tất nhiên là về tính toàn vẹn lãnh thổ của Syria”, ông nói trong một cuộc họp báo cuối tháng 2 vừa qua.

Tầm quan trọng chiến lược của Cao nguyên Golan

Cao nguyên Golan có diện tích khoảng 1.200 km2, nằm cách thủ đô Damascus của Syria 60 km về phía Tây Nam.

Israel chiếm cao nguyên Golan từ Syria ở giai đoạn cuối của cuộc chiến Trung Đông năm 1967. Năm 1973, Syria nỗ lực giành lại cao nguyên này từ Israel nhưng không thành công.

Năm 1974, hai nước đồng ý kế hoạch rút quân, bao gồm cả việc thiết lập vùng phi quân sự dài 70km do các quan sát viên Liên Hợp Quốc tuần tra. Tuy nhiên, hai bên về kỹ thuật vẫn ở trong tình trạng chiến tranh.

Năm 1981, Israel chính thức sáp nhập cao nguyên Golan, nhưng động thái này không được cộng đồng quốc tế công nhận. Hiện có hơn 30 khu định cư Israel ở Golan, với khoảng 20.000 người.

Cao nguyên Golan đem lại lợi thế lớn cho Israel khi có thể giám sát được các động thái từ Syria. Địa hình của Golan khiến khu vực này trở thành vùng đệm tự nhiên chống lại bất cứ cuộc tấn công quân sự nào từ Syria.

Đây cũng là khu có nguồn tài nguyên nước quan trọng. Lượng mưa từ Cao nguyên Golan sẽ nuôi dưỡng con sông Jordan, và cung cấp 1/3 nhu cầu nước cho Israel. Cao nguyên này cũng là vùng đất màu mỡ, phù hợp với trồng trọt nho và chăn nuôi gia súc.

3 năm trước, khi Tổng thống Barack Obama còn đương nhiệm, Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ tuyên bố của HĐBA bày tỏ lo ngại sâu sắc sau khi Thủ tướng Netanyahu khẳng định Israel sẽ không bao giờ từ bỏ cao nguyên Golan.

Syria nhiều lần khẳng định sẽ không đồng ý một thỏa thuận hòa bình với Israel nếu Israel không rút khỏi toàn bộ cao nguyên Golan. Cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp do Mỹ bảo trợ đã năm 2000 đã bất bại. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán không trực tiếp vào năm 2008.

Theo Thùy Linh

VOV