1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao ông Putin chưa lên tiếng về việc Nga rút khỏi Kherson?

Thanh Thành

(Dân trí) - Giới phân tích đã có các nhận định về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin cho tới nay chưa lên tiếng về quyết định rút quân khỏi Kherson, miền Nam Ukraine.

Vì sao ông Putin chưa lên tiếng về việc Nga rút khỏi Kherson? - 1

Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik).

Vào ngày Nga tuyên bố rút lui khỏi thành phố Kherson ở Ukraine hôm 9/11, Tổng thống Vladimir Putin đang đi thăm một bệnh viện thần kinh ở Moscow và không đề cập đến quyết định này.

Thay vào đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu và Tổng chỉ huy của lực lượng quân đội Nga ở Ukraine, Tướng Sergei Surovikin, đã cùng tuyên bố trên truyền hình cả nước về việc rút lui này với lời giải thích "việc nắm giữ Kherson không còn khả thi nữa".

Sự im lặng của nhà lãnh đạo Nga đặt ra thêm nhiều câu hỏi khi trong cuộc họp giao ban hàng ngày hôm 10/11, Bộ Quốc phòng tuyên bố đã "tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch đã được phê duyệt" khi bắt đầu rút lui khỏi Kherson.

Một cựu quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của Nga cho rằng, đây là cách thức hoạt động của ông Putin trong nhiều năm qua. Quan chức này chỉ ra rằng, trước đó khi Nga rút quân khỏi khu vực Kharkov ở phía đông bắc của Ukraine, Tổng thống Putin cũng không có tuyên bố gì mà thay vào đó là đến tham dự lễ khánh thành một vòng đu quay khổng lồ.

Các chuyên gia vốn theo sát ông Putin cũng cho biết, quyết định rời Kherson cũng là một lời nhắc nhở về việc ông sẵn sàng thay đổi chiến thuật khi cần thiết.

"Đây rõ ràng là một quyết định rất khó đối với nhà lãnh đạo Nga nhưng ông ấy đã chấp nhận nó. Ông đã rất lý trí", Tatiana Stanovaya, chuyên gia về chính trị tại công ty phân tích R.Politik, nhận định.

Cựu quan chức quốc phòng này cho biết, việc Kherson rút quân càng làm lộ rõ tình hình quân sự của Moscow trên thực địa và khiến Tổng thống Putin không thể phớt lờ.

Các chuyên gia quân sự trong nhiều tuần đã dự đoán Nga sẽ phải khó khăn để giữ Kherson vì Moscow khó hỗ trợ các binh sĩ vì các đường tiếp tế đã bị cắt đứt gần hết.

"Tình hình tiếp tế ở đây khó khăn đến mức Điện Kremlin không thể phớt lờ những lời cảnh báo của tướng Surovikin nữa. Quân đội Ukraine chỉ đơn giản là có ưu thế ở Kherson", cựu quan chức nói thêm.

Theo các báo cáo tình báo Mỹ được tờ New York Times trích dẫn đưa tin hồi tháng 9, Kremlin đã từ chối yêu cầu rút lui khỏi Kherson vào thời điểm đó.

Đánh dấu sự thay đổi đáng kể

Do đó, quyết định rút lui lần này dường như đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chiến lược của nhà lãnh đạo Nga.

Theo cựu quan chức quốc phòng trên, Tổng thống Putin dự định "đóng băng" xung đột trong khi chờ tập hợp lại lực lượng và huấn luyện số lượng lớn binh sĩ mới được điều động (theo số liệu chính thức là hơn 300.000 binh sĩ).

"Tổng thống Putin không vội vàng. Ông ấy coi đây là một cuộc xung đột dài hơn, quy mô lớn với phương Tây ", quan chức này nói. "Chiến lược của Moscow hiện nay là chờ xem mọi thứ như thế nào vào cuối mùa Đông và sau đó đánh giá lại chiến lược và hành động tiếp theo".

Quyết định rút lui ở Kherson là sự kiện mới nhất trong chuỗi chiến lược quân sự bất ngờ của Nga ở Ukraine. 

Các chuyên gia quân sự cho rằng, cuộc rút lui ở Kherson diễn ra trong tầm kiểm soát và được hầu hết người dân Nga ủng hộ. Theo họ, Nga đã tránh những sai lầm chiến thuật mắc phải trong cuộc rút lui hỗn loạn ở Kharkov, khiến hàng trăm thiết bị quân sự  hạng nặng của Nga bị bỏ lại và rơi vào tay Ukraine.

Nhiều tuần trước khi tuyên bố, các lực lượng Nga đã củng cố các vị trí phòng thủ trên bờ đông sông Dnieper, nơi quân đội Nga tiến đến sau khi rút khỏi Kherson tại khu vực Kherson.

Vì sao ông Putin chưa lên tiếng về việc Nga rút khỏi Kherson? - 2

Lực lượng lính nghĩa vụ Nga tại một nhà ga ở Sevastopol, Crimea, hôm 9/11 trước khi lên đường tham chiến (Ảnh: EPA),

Hiện tại quân đội Nga đang khẩn trương gia cố tuyến phòng thủ tại bờ bên trái sông Dnieper trước nguy cơ bị các lực lượng Ukraine tấn công.

"Nếu Nga có thể rút các đơn vị của mình mà không bị tổn thất nặng nề thì họ sẽ có được một vị trí vững chắc hơn để nắm giữ các tiền tuyến hiện có của mình bởi vì họ có thể di chuyển dễ dàng hơn để giữ Donbas và Zaporizhzhia", chuyên gia Rob Lee, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, nói. "Đó là lý do tại sao cách thức rút quân lần này là rất quan trọng".

Andrei Kolesnikov, một thành viên cấp cao tại Carnegie Endowment for International Peace, cho biết việc rút lui khỏi Kherson được ủng hộ vì người dân Nga hiểu rõ "sinh mạng và sức khỏe của binh sĩ luôn luôn là ưu tiên" đúng như tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu.

Ông nói thêm rằng, không có gì ngạc nhiên khi cả Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu và tướng Surovikin đều nhấn mạnh việc bảo toàn mạng sống binh sĩ là nguyên nhân chính đằng sau việc rút lui khỏi Kherson. "Với thực tế hiện nay, việc huy động binh sĩ, bố trí một lực lượng lớn để bảo vệ Kherson là khá mạo hiểm và có thể gây hậu quả lớn về người".

Theo Guardian