1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao người Mỹ bỏ phiếu cho Donald Trump?

(Dân trí) - Cuộc bầu cử tổng thống đang diễn ra tại Mỹ cho thấy sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong lòng nước Mỹ về tư tưởng đảng phái. Kết quả từ một cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy, lý do hàng đầu để một cử tri Mỹ quyết định lựa chọn ứng viên một đảng ra tranh cử tổng thống là để ứng viên của đảng đối lập không thể giành chiến thắng trong cuộc đua này.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể sẽ là cuộc đua song mã giữa ông Donald Trump (trái) và bà Hillary Clinton (Ảnh: Reuters)
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể sẽ là cuộc đua "song mã" giữa ông Donald Trump (trái) và bà Hillary Clinton (Ảnh: Reuters)

Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến do Reuters/Ipsos thực hiện, gần một nửa số cử tri Mỹ cho biết, nếu họ ủng hộ và bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng thì họ cũng sẽ cố gắng tìm cách ngăn không cho đối thủ của bà Clinton là ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump giành được chiến thắng, ngược lại, đối với những người ủng hộ ông Trump, họ cũng sẽ tìm cách cản đường bà Clinton đến gần chiếc ghế tổng thống.

Kết quả này cho thấy sự chia rẽ về tư tưởng ngày càng sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ, nơi người dân ngày càng tỏ ra dè chừng đảng đối lập. Thực tế này càng trở nên tồi tệ hơn khi nước Mỹ sắp tới đây có thể chứng kiến cuộc đua “song mã” giữa ông trùm bất động sản ở New York Donald Trump và cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton, Larry Sabato, Giám đốc Trung tâm chính trị thuộc đại học Virginia, nhận định.

Ông Sabato khẳng định: “Hiện tượng này được gọi là tinh thần đảng phái tiêu cực. Nếu chúng ta (người dân Mỹ) cứ cố gắng đẩy hệ quả của hiện tượng này lên đỉnh điểm, chúng ta sẽ không thể tìm được ứng viên tổng thống nào tốt hơn, ngoài ông Trump và bà Clinton”.

Ông Trump giành được sự ủng hộ từ những cử tri sôi nổi và những người thích sự chỉ trích sâu cay vì ông hay đưa ra những phát ngôn “thẳng như ruột ngựa” cũng như những đề xuất quyết liệt, như lời kêu gọi ban hành lệnh cấm người Hồi giáo vào nước Mỹ, cam kết buộc người Mexico phải trả tiền xây một bức tường dọc biên giới hay lời hứa đàm phán lại các thỏa thuận thương mại quốc tế.

Trong khi đó, sự lôi cuốn của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đối với các cử tri ủng hộ bà, những người luôn mong muốn tổng thống mới của nước Mỹ sẽ tiếp tục duy trì đường lối chính sách của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, đã đưa bà trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua chọn ra ứng viên đại diện cho đảng Dân chủ tranh ghế tổng thống cùng ứng viên đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, đối với những người cảm thấy bị “vỡ mộng” khi không nhìn thấy sự phát triển của nước Mỹ trong 2 nhiệm kỳ của tổng thống Obama thì bà Clinton đã bị “mất điểm” trầm trọng trong mắt họ.

Cuộc thăm dò đã hỏi các cử tri về động cơ chủ yếu khiến họ ủng hộ một trong hai người, hoặc ông Trump, hoặc bà Clinton để bước vào cuộc bầu cử toàn quốc vào ngày 8/11 sắp tới.

Khoảng 47% những người ủng hộ ông Trump nói rằng họ chọn ông vì họ không muốn bà Clinton giành chiến thắng. Khoảng 43% người khác nói rằng động cơ chính khiến họ chọn ông Trump là do họ yêu thích những quan điểm chính trị ứng viên của đảng Cộng hòa, trong khi đó 6% số người khác lại nói tự bản thân họ thấy yêu mến vị tỷ phú này.

Đối với bà Clinton, kết quả thăm dò cũng cho thấy những số liệu khá tương đồng.

Khoảng 46% những người ủng hộ bà Clinton chia sẻ lý do họ chọn bà vì không muốn ông Trump lên làm tổng thống, trong khi 40% những người khác lựa chọn bà Clinton vì cảm thấy đồng tình với quan điểm chính trị của bà, và 11% khác lại cho rằng lựa chọn bà Clinton xuất phát từ sự yêu mến cá nhân của họ dành cho bà.

Cuộc thăm dò kéo dài từ ngày 29/4 đến ngày 5/5, trong đó Reuters/Ipsos đã hỏi ý kiến 469 cử tri ủng hộ ông Trump và 599 cử tri ủng hộ bà Clinton.

Để chắc chắn về kết quả cuối cùng, các cử tri được phép thay đổi ý kiến trong một vài tháng tới. Trong thời gian tới, các ứng viên sẽ được chào đón trong các cuộc họp của đảng, tham gia vào hàng loạt các phiên tranh luận trên phạm vi quốc gia và trở thành mục tiêu của những hợp đồng quảng cáo trị giá hàng triệu USD.

Tuy nhiên, tinh thần đảng phái tiêu cực có thể vẫn còn tiếp diễn, Alan Abramowitz, giáo sư của đại học Emory, người chuyên nghiên cứu về sự gia tăng của tinh thần đảng phái tiêu cực ở Mỹ, cho biết.

“Tinh thần đảng phái sẽ vẫn còn rất tiêu cực”, ông nói thêm. Đây sẽ vẫn là một xu hướng dài hơi.

Một cuộc nghiên cứu do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện năm 2014 cho biết, trong vòng vài thập kỷ qua, những người theo đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Mỹ ngày càng nhìn nhau với con mắt tiêu cực. Năm 2014, hơn 1/4 những người theo đảng Dân chủ và hơn 1/3 những người theo đảng Cộng hòa, coi người theo đảng đối lập “là mối đe dọa với sự phồn thịnh của đất nước”.

Barbara Monson, 59 tuổi, một người theo đảng Cộng hòa đến từ bang Utah, là một trong số những công dân Mỹ mang tinh thần đảng phái tiêu cực nói trên. “Bất kể ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa là ai, tôi cũng sẽ bỏ phiếu cho người đó”, bà Monson cho biết, đồng thời thể hiện sự ủng hộ của bà dành cho ông Trump. “Tôi sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho bà Clinton. Không bao giờ”.

Trong khi đó, Jo-Anne Michaud, 69 tuổi, một cử tri độc lập đến từ bang Maryland chia sẻ với Reuters rằng bà sẽ cố gắng duy trì quan điểm mở trong việc bỏ phiếu lần này. Dù trước đây bà từng bỏ phiếu cho cả ứng viên đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ nhưng hiện tại bà cảm thấy không ưa ông Trump.

“Tôi từng yêu mến người đàn ông này (Donald Trump) khi tôi xem các chương trình của ông ấy. Nhưng bây giờ tôi không thích những phát ngôn của ông ấy. Tôi không nghĩ sâu thẳm trong con người ông ấy là một người tốt”.

Thành Đạt

Theo Reuters