Vì sao Nga trì hoãn buộc châu Âu trả bằng rúp bất chấp "tối hậu thư"?
(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin ra sắc lệnh yêu cầu các nước "không thân thiện" thanh toán tiền khí đốt cho Nga bằng đồng rúp từ ngày 1/4. Mặt khác, Moscow khẳng định, việc chuyển đổi này cần có thời gian.
Hãng tin RT dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga sẽ không vội vàng yêu cầu các nước "không thân thiện" phải thanh toán bằng đồng rúp ngay lập tức, nhấn mạnh đây là một quá trình chuyển đổi dần dần.
"Không ai vội vã cả. Đây là một động thái theo từng giai đoạn, rất thận trọng và có sự xem xét kỹ lưỡng tình hình kinh tế, tài chính trên thị trường thế giới. Tất nhiên, không có bất cứ sự thay đổi đột ngột nào", RT dẫn lời ông Peskov. Ông nhấn mạnh, đây là hành động được tính toán kỹ lưỡng và có sự hiệu chỉnh cẩn thận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 31/3 ký sắc lệnh yêu cầu các nước "không thân thiện" phải thanh toán mua khí đốt bằng đồng rúp từ ngày 1/4. Các hợp đồng sẽ bị dừng nếu các khoản thanh toán không được thực hiện bằng tiền tệ của Nga. "Nếu không thanh toán, chúng tôi sẽ coi đây là quyết định từ phía người mua và họ phải chịu hoàn toàn hậu quả sau đó. Không ai cho chúng tôi thứ gì miễn phí và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện - nghĩa là các hợp đồng hiện tại sẽ dừng lại", ông Putin tuyên bố.
Các nước mà Nga cho là "không thân thiện" gồm Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.
Sắc lệnh do Tổng thống Putin ký đặt ra một cơ chế để người mua chuyển ngoại tệ vào một tài khoản đặc biệt tại Ngân hàng Gazprombank của Nga. Ngân hàng này sau đó sẽ gửi lại đồng rúp cho người mua nước ngoài để thanh toán tiền khí đốt. Quyết định yêu cầu đối tác thanh toán tiền khí đốt bằng đồng rúp được cho là một trong những biện pháp của Nga nhằm khôi phục giá trị của rúp sau khi nội tệ này của Nga mất một nửa giá trị do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, các đối tác châu Âu đã phản đối cơ chế này và đưa ra lập luận họ đã ký hợp đồng khí đốt với Nga, trong đó quy định thanh toán bằng euro hoặc USD. Một số nước Baltic thậm chí quyết định sẽ ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga vì cho rằng đây là một cơ chế "vô lý".
Bất chấp "tối hậu thư" của Moscow, sự phản đối của châu Âu, khí đốt của Nga vẫn chảy về phía Tây thông qua 2 trong 3 đường ống chính. Lý giải về điều này, Điện Kremlin cho biết, các khoản thanh toán cho khí đốt được giao từ ngày 1/4 sẽ đến hạn vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, đó là lý do tại sao Nga chưa ngay lập tức cắt nguồn cung khí đốt đến châu Âu.
Ông Peskov cho biết thêm, Nga có thể đảo ngược quy định thanh toán bằng đồng rúp "nếu các điều kiện khác xuất hiện" và nhấn mạnh, Moscow không có ý định làm khó các đối tác.