Vì sao Nga luôn “trên cơ” trong “ván bài”Ukraine?
(Dân trí) - Hai thỏa thuận Minsk và những diễn biến trong hơn một năm qua ở quốc gia Đông Âu Ukraine cho thấy Nga luôn “trên cơ” phương Tây trong “ván bài” Ukraine, cho dù cái giá mà Nga phải trả cho việc sáp nhập bán đảo Crimea cũng không phải là nhỏ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bước ra khỏi phòng họp ở Belarus hôm 12/2 với vẻ mặt hài lòng về kết quả đàm phán (Ảnh: NY Daily News)
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã lật sang những trang mới sau khi nhóm “Bộ tứ Normandie” gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức đạt được nhất trí về lộ trình hòa bình lâu dài và toàn diện cho quốc gia Đông Âu nằm kẹp giữa Nga và phương Tây.
Trong lộ trình đó, điểm sáng nhất là lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 15/2 theo giờ địa phương và các bước đi tiếp theo trong giải pháp tổng thể gồm 13 điểm nhằm mang lại hòa bình toàn diện và tương lai thực sự cho Ukraine.
Nhưng với những điều khoản rõ ràng có lợi cho Nga và lực lượng thân Nga ở miền Đông Ukraine, thỏa thuận Minsk 2 (được ký ngày 12/2/2015 tại Belarus trên cơ sở thỏa thuận Minsk 1 ký ngày 19/9/2014) cho thấy một thực tế hiển hiện rằng thế chủ động thuộc về phía Nga và Tổng thống Vladimir Putin luôn nắm trong tay những lá bài quyết định mỗi khi cần “chốt hạ”.
Điểm lại bối cảnh diễn ra cuộc họp thượng đỉnh nhóm Normandie lần 2, không khó để nhận ra rằng cuộc họp được lên kế hoạch vội vã trong điều kiện quân đội chính phủ Ukraine liên tục thất thế trên chiến trường, Mỹ nhăm nhe viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev và các nhà lãnh đạo châu Âu có quan điểm rất khác nhau trong vấn đề Ukraine.
Trong bối cảnh đó, Đức và Pháp - hai quốc gia đầu tàu châu Âu với quan điểm phản đối giải pháp quân sự và chỉ ủng hộ các nỗ lực ngoại giao - đã phải nhanh chóng đưa ra sáng kiến và cấp tập tiến hành các hoạt động ngoại giao con thoi tới Ukraine, Nga và Mỹ hòng vãn hồi tiến trình hòa bình đang hấp hối ở Ukraine kể từ khi thỏa thuận Minsk đầu tiên được ký cũng tại Belarus. Mục tiêu tối thượng của hai nhà lãnh đạo này là “bằng mọi giá đạt được một giải pháp chính trị” tại cuộc họp thượng đỉnh Normandie để tránh đẩy châu Âu vào một cuộc đối đầu khốc liệt với Nga liên quan đến tình hình Ukraine và kế hoạch can thiệp quân sự của Mỹ.
Nắm được yếu điểm này của Đức và Pháp, Tổng thống Putin đã dàn thế chuẩn bị cho một cuộc đàm phán marathon kéo dài liên tục 16 tiếng với một số lần nghỉ rất ngắn ở giữa để tham vấn cấp dưới khi đi vào những vấn đề quá kỹ thuật, chi tiết.
Nguồn tin thân cận với các phiên thảo luận kín của lãnh đạo 4 nước trong nhóm Normandie cho biết nhà lãnh đạo Nga đã liên tục đảo quân bài từ ngoại giao sang quân sự và ngược lại, tùy thuộc quân bài nào mang lại lợi thế nhiều nhất cho Nga. Ông Putin hoàn toàn nắm thế chủ động trên bàn đàm phán nhờ hiểu rõ các mục tiêu của đối phương. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Ukraine (dù có tới 3 người trên cùng một chiến tuyến đối lập) lại hoàn toàn bị động vì không nắm được mục tiêu thực sự cũng như những điểm yếu chí tử của Tổng thống Putin, ngoài những hoài nghi về khó khăn kinh tế đang bủa vây nước Nga do tác động từ các lệnh trừng phạt trước đó của Mỹ và châu Âu
Theo bà Amanda Paul, một chuyên gia về Nga thuộc Trung tâm chính sách châu Âu đặt trụ sở tại Brussels, nhà lãnh đạo Nga giỏi chiến thuật hơn những người đồng cấp châu Âu một phần còn vì ông biết rõ những điểm yếu của “châu lục già”. Các nước châu Âu kiên quyết phản đối triển khai quân đội và vũ khí tới Ukraine, vì lo ngại Nga đủ mạnh để đánh bại Ukraine cho dù Kiev có được Mỹ viện trợ vũ khí sát thương. Châu Âu không muốn tạo cớ cho Nga công khai đưa các loại vũ khí hiện đại nhất tới chiến trường Ukraine để ngăn chặn sự xâm lấn quân sự của phương Tây một khi vũ khí của Mỹ xuất hiện ở Kiev.
Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni cũng từng nói: “Lĩnh vực mà ông Putin không có gì để sợ chính là vũ khí. Ông ấy có thể yếu trong một số lĩnh vực nhưng rất mạnh về vũ khí”. Khi đưa ra đánh giá này, người đứng đầu ngành ngoại giao Ý hẳn muốn ám chỉ tới xuất thân từ ngành tình báo của ông Putin và hai cuộc chiến tranh trước đây ở Kosovo và Nam Ossetia.
Trong thế tương quan hoàn toàn có lợi cho Nga trên bàn đàm phán, sự ra đời của thỏa thuận có lợi có Nga và phe thân Nga ở Đông Ukraine là điều khó tránh khỏi. Những “cái được” lớn nhất của Nga trong thỏa thuận này là đã không phải đưa ra thời gian biểu rút quân ở vùng chiến sự, tạo hành lang phi quân sự rộng tới 140 km chia tách hai bên tham chiến ở Ukraine, buộc Kiev phải trao quyền lực lớn hơn cho các khu vực thân Nga (Donetsk và Lugansk) và gắn vấn đề cải cách hiến pháp tại Ukraine với lịch trình kiểm soát vùng biên giới với Nga. So với thỏa thuận Minsk 1, thỏa thuận lần này có quá nhiều điều khoản bất lợi cho Ukraine, ngoại trừ việc không còn bị Mátxcơva thúc ép phải tiến hành liên bang hóa như đòi hỏi lâu nay.
Tuy nhiên, những lợi thế cho Nga chưa phải đã hết. Trên thực địa, dù lệnh ngừng bắn và rút vũ khí đã được thực thi song phe ly khai ở miền Đông vẫn tiếp tục giành thêm chiến thắng mới. Trong đó, quan trọng nhất là việc từ ngày 19/2 các tay súng thân Nga đã hoàn toàn kiểm soát thị trấn Debaltseve, cầu nối chiến lược giữa hai vùng Donetsk và Lugansk, tạo thành một khu vực nối liền rộng lớn ở phía Đông Ukraine.
Nếu theo tinh thần của thỏa thuân Minsk 2, đây là hành động vi phạm của phe ly khai ở miền Đông Ukraine. Điều trớ trêu là chính Kiev đã tạo cớ cho sự vi phạm này khi quân đội Ukraine vẫn tiếp tục nã pháo sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 0h00 ngày 15/2. Việc Debaltseve hoàn toàn thất thủ chỉ ít ngày sau khi thỏa thuận Minsk 2 được ký càng củng cố thêm thắng lợi của Nga và phe thân Nga ở Đông Ukraine, cho thấy trên bất kỳ mặt trận nào Mátxcơva vẫn luôn nắm thế chủ động. Thỏa thuận Minsk 2, đúng như nhận định trước đó của nhiều người, xem ra cũng chỉ là “bước dừng mang tính chiến thuật của Tổng thống Putin” để hạn chế nguy cơ phương Tây sẽ áp thêm các lệnh trừng phạt mới và ngăn chặn nguy cơ Mỹ sẽ cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine khi hai vùng Donetsk và Lugansk vẫn bị chia cách bởi điểm nóng xung đột Debaltseve.
Như vậy, nhìn lại toàn bộ “ván cờ” Ukraine từ khi bắt đầu đến nay, Tổng thống Putin luôn ở thế trên cơ khi ông liên tục buộc phương Tây phải xoay vần theo các bước đi chiến thuật của mình. Đầu tiên là việc ông đã sáp nhập thành công bán đảo Crimea vào lãnh thổ Liên bang Nga. Tiếp đó, Nga đã hậu thuẫn thành công cho lực lượng ly khai ngày càng lớn mạnh ở miền Đông và liên tục đẩy giới tuyến giao tranh lui dần về phía Kiev. Ngoài ra, thông qua lá bài năng lượng, Nga cũng đang thành công trong việc gây chia rẽ nội bộ phương Tây với 3 luồng ý kiến đang tồn tại là phản đối trừng phạt Nga (Hungary và Hy Lạp), phản đối giải pháp quân sự (Đức, Pháp) và ủng hộ giải pháp quân sự (Mỹ, Anh).
Do đó, không quá khi nói rằng một thế trận có lợi cho Nga đã được sắp sẵn trên cả bàn đàm phán lẫn thực địa, báo hiệu tình hình tại quốc gia Đông Âu Ukraine sẽ tiếp tục có thêm những diễn biến khó lường trong thời gian tới.
Đức Vũ