1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Nga hạn chế sử dụng phi đội máy bay ném bom ở Ukraine?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga sở hữu những máy bay ném bom và vũ khí có sức công phá lớn, nhưng sau gần một tháng mở chiến dịch quân sự, Moscow chưa huy động tổng lực những khí tài này.

Vì sao Nga hạn chế sử dụng phi đội máy bay ném bom ở Ukraine? - 1

Một tòa nhà ở thành phố Irpin, khu vực Kiev, Ukraine bị phá hủy sau một vụ pháo kích (Ảnh: Reuters).

Newsweek dẫn lời các chuyên gia về tình báo Mỹ nhận định, sau gần một tháng tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, Nga dường như đang cố gắng giảm thiểu thiệt hại về người và của so với năng lực thực sự của họ.

Một nhà phân tích cấp cao tại Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) nhận xét với Newsweek rằng, những hậu quả tàn phá từ chiến sự mà Ukraine phải chịu là lớn, nhưng trên thực tế, trung tâm thủ đô Kiev vẫn gần như chưa bị tàn phá và phần lớn các vụ phóng vũ khí tầm xa của Nga đều hướng đến các mục tiêu của quân đội Ukraine.

"Chúng ta phải hiểu rõ được hành động thực tế của Nga", chuyên gia trên nhận định. Ông cho rằng, nếu phương Tây không hiểu được Nga đang làm gì trên chiến trường mà chỉ cáo buộc Moscow đang có hành động quân sự không kiểm soát, điều đó có nghĩa là phương Tây chưa nắm được tính toán của Nga.

Cụ thể, theo chuyên gia trên, dù chiến sự đã gây ra tàn phá lớn ở phía nam và phía đông Ukraine, nhưng quân đội Nga dường như đã hạn chế các nhiệm vụ tấn công tầm xa. Tính đến cuối tuần qua, Nga thực hiện 1.400 vụ không kích nhưng phần lớn các nhiệm vụ đều là các máy bay Nga thực hiện "hoạt động hỗ trợ tác chiến tầm gần" cho lực lượng mặt đất trên chiến trường. Khoảng 20% nhiệm vụ còn lại là nhằm vào các cơ sở quân sự của Ukraine. Đặc biệt, đội máy bay ném bom của Nga gồm những khí tài nổi tiếng như Tu-160 hay Tu-95MS cho tới nay vẫn chưa thực hiện một đợt ném bom quy mô lớn nào để giành lợi thế áp đảo tại những khu vực quan trọng.

Theo các chuyên gia, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang thực hiện động thái cân bằng chiến lược. Nếu thiệt hại ở Ukraine lớn hơn, đồng nghĩa với việc Nga có thể sẽ bị phương Tây phản ứng mạnh hơn. Nếu Nga dồn hết năng lực để chiến đấu ở Ukraine, họ có thể sẽ vướng vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Vì vậy, ông Putin dường như đang theo đuổi chiến lược là giành đủ quyền kiểm soát lãnh thổ Ukraine để nâng cao lợi thế đàm phán với chính phủ Kiev, trong khi đặt phía Ukraine vào tình thế khiến họ buộc phải chấp nhận thương lượng.

Các chuyên gia cho rằng, việc thấu hiểu chiến lược tác chiến hạn chế của Nga có thể giúp các bên vạch ra được một lộ trình hướng tới hòa bình tại Ukraine.

"Thực tế trên chiến trường vào thời gian qua gợi ý một điều với tôi rằng, phía Nga dường như không nhằm mục tiêu vào dân thường và họ hiểu rõ rằng, họ cần phải hạn chế những tổn hại có thể gây ra cho Ukraine để cánh cửa ngoại giao vẫn còn rộng mở", chuyên gia của DIA nhận định.

Theo Newsweek, trong những tuần qua, Nga không đánh bom vào những chốt phòng không cố định bảo vệ các thành phố vì họ dường như đang hạn chế việc phóng vũ khí với quy mô lớn vào các mục tiêu trong đô thị.

Trong gần 4 tuần, các tên lửa nhằm vào Kiev được mô tả là "lẻ tẻ" so với khu vực khác. Truyền thông Ukraine ghi nhận khoảng hơn 10 vụ việc mà Kiev đánh chặn được tên lửa hành trình và đạn đạo của Nga bay qua thành phố. Các chuyên gia Mỹ nhận định, các tên lửa này đều nhằm vào mục tiêu quân sự của Ukraine.

Theo chuyên gia của DIA, Nga tới nay vẫn đang tiến hành chiến dịch quân sự một cách thận trọng, nhằm không khiến căng thẳng lan tới lãnh thổ của họ, Belarus và cả NATO.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine