1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Mỹ trì hoãn tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên?

(Dân trí) - Kể từ đầu năm nay, Triều Tiên được cho là đã có những nỗ lực ngoại giao quan trọng nhằm chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Đây là điều Hàn Quốc cũng mong muốn, nhưng Mỹ dường như chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận như vậy.

Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 mới chỉ tạm kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến trong đó có sự tham gia của Mỹ. Do vậy, bán đảo Triều Tiên trên lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh kỹ thuật.

Những nỗ lực ngoại giao chưa từng thấy của Triều Tiên kể từ đầu năm nay được cho là một phần nỗ lực nhằm hối thúc các bên chính thức tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh. Vấn đề này nhiều khả năng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 vào tháng 9 tới tại Bình Nhưỡng.

Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều mong muốn chính thức kết thúc chiến tranh vào cuối năm nay với sự tham gia của Mỹ và có thể cả Trung Quốc. Triều Tiên thậm chí tuyên bố phải đạt được thỏa thuận kết thúc chiến tranh trước khi tiến tới giải trừ hạt nhân như cam kết. Tuy nhiên, giới chức Mỹ có hàng loạt lý do để trì hoãn đưa ra một tuyên bố như vậy.

Cần bằng chứng giải trừ hạt nhân rõ ràng


Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (Ảnh: Reuters)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng giống các chính quyền tiền nhiệm, đều đặt vấn đề chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên lên hàng đầu. Điều này là bởi Mỹ lo ngại Triều Tiên có thể sản xuất được tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới Mỹ. Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hôm 12/6, Triều Tiên cam kết "hướng tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên". Tuy nhiên hai bên không định nghĩa rõ ràng giải trừ hạt nhân.

Giới chức ngoại giao Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Mike Pompeo, cho rằng, giải trừ hạt nhân có nghĩa là Triều Tiên phải ngừng và dỡ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đến nay, Triều Tiên vẫn chưa nhất trí với cách định nghĩa đó và cho rằng ưu tiên hàng đầu là tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Giới tình báo Mỹ cho rằng, Triều Tiên tiếp tục chế tạo tên lửa tầm xa.

Joseph Y. Yun, cựu quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng, Triều Tiên muốn “đổi” chương trình vũ khí hạt nhân để có được sự ủng hộ của Mỹ nhằm chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Về phía Hàn Quốc, giới chức nước này tin rằng Triều Tiên muốn thực hiện lần lượt từng điều khoản theo thứ tự nêu trong tuyên bố chung. Trong đó, cam kết giải trừ hạt nhân ở vị trí thứ ba, điều khoản thứ nhất và thứ hai là cam kết xây dựng cơ chế hòa bình, ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Dấu chấm hết cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á


Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung. (Ảnh: AFP)

Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung. (Ảnh: AFP)

Mặc dù tuyên bố hòa bình không có ý nghĩa tương đương một hiệp ước hòa bình mang tính ràng buộc, song nó có thể là khởi đầu cho việc Mỹ buộc phải rút quân khỏi khu vực. Khi đó, Mỹ sẽ phải tính đến việc duy trì bao nhiêu binh sĩ ở Hàn Quốc.

Đối với một số quan chức Mỹ, việc hiện diện của binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc không chỉ mang ý nghĩa răn đe với Triều Tiên mà còn giúp Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự ở châu Á trong bối cảnh những thách thức từ Trung Quốc ngày càng tăng.

Giới chức Mỹ lo ngại chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ tìm cách buộc Mỹ giảm dần lực lượng tại nước này hay nói cách khác là liên minh Mỹ-Hàn có thể suy yếu sau tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Quá vội vàng

Triều Tiên và Hàn Quốc đặt mục tiêu tuyên bố chấm dứt chiến tranh muộn nhất vào cuối năm nay, sớm hơn có thể là trước dịp khai mạc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York vào ngày 18/9.

Có nhiều đồn đoán rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ được mời phát biểu tại sự kiện này và có thể mang theo tuyên bố hòa bình đến hội nghị.

Tuy nhiên, trong lúc còn nghi ngại về việc Triều Tiên giữ cam kết giải trừ hạt nhân, giới chức Mỹ cho rằng lịch trình như vậy là quá vội vàng.

Minh Phương

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm