1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Mỹ quan tâm đặc biệt tới Ukraine?

(Dân trí) - Ukraine không phải là thành viên của NATO và cũng chật vật chiến đấu với nạn tham nhũng trong nhiều năm qua. Nhưng quốc gia này luôn trở thành tâm điểm của "cuộc chiến" nhằm tranh giành ảnh giữa Nga và Mỹ, và thậm chí giờ đây là cả Trung Quốc.

Vì sao Mỹ quan tâm đặc biệt tới Ukraine? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump đón tiếp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng hồi tháng 9/2019 (Ảnh: AFP) 

Ukraine đang là tâm điểm của một vụ bê bối chính trị vốn gây sóng gió tại Mỹ suốt nhiều tuần qua. Có hay không việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn viện trợ quân sự cho đồng minh Ukraine vì các lý do chính trị có lợi cho ông? Đó là câu hỏi lớn đang được mổ xẻ trong cuộc điều tra luận tội do đảng Dân chủ dẫn đầu nhằm vào ông chủ Nhà Trắng?

Vì sao Ukraine quan trọng với Mỹ? 

Ukraine đã độc lập khỏi Liên bang Xô Viết vào năm 1991, cùng với các nước cộng hòa khác. Kể từ đó, các nhà lập pháp Mỹ luôn muốn giữ Ukraine trong tầm ảnh hưởng của Washington. Vì sao vậy?

Quốc gia với hơn 40 triệu dân là nước lớn nhất tại châu Âu xét về diện tích. Ukraine cũng nằm ở điểm giao giữa phương Đông và phương Tây - mà cụ thể là giữa Nga và châu Âu. Ukraine từng có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới, là một nhà xuất khẩu nông nghiệp quan trọng và có các tài nguyên thiên nhiên dồi dào như khí đốt. Tóm lại, ai cũng muốn một phần của “chiếc bánh Ukraine”. 

Dù Chiến tranh Lạnh đã qua đi nhưng Mỹ vẫn nhìn Ukraine thông qua lăng kính Nga. Một cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Stephan Sestanovich phát biểu tại Hội đồng đối ngoại thượng viện hồi tháng trước rằng: “Những câu hỏi lớn luôn ở trong đầu của các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong suốt 30 năm qua là: Ukraine sẽ ngả về phương Đông hay phương Tây. Và điều đó không chỉ có ý nghĩa trong các thỏa thuận quốc tế mà còn trong việc hình thành các vấn đề đối nội. Ukraine sẽ trở thành một quốc gia kiểu tài phiệt hay sẽ tìm kiếm sự tiến bộ hướng tới pháp quyền?”.

Trên thực tế, trong phần lớn lịch sử 28 năm độc lập, Ukraine vẫn chưa nghiêng về thân Nga hay thân phương Tây. 

Vào năm 2014, sự không chắc chắn đó dường như đã kết thúc. Sau cuộc cách mạng đổ máu trên đường phố, các nhà lãnh đạo mới của Ukraine khẳng định rằng tương lai của đất nước sẽ phụ thuộc vào sự liên kết gần gũi hơn với châu Âu và phương Tây. Nga giờ đây bị xem là đối thủ của Kiev và Moscow đã đáp trả bằng việc sáp nhập Crimea và ủng hộ phe đòi độc lập ở miền đông Ukraine. Cuộc xung đột ở miền đông nước này cho tới nay đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng.

Dưới thời chính quyền Obama, Mỹ coi việc bảo vệ quyền của người dân Ukraine nhằm quyết định tương lai của chính họ và chống lại sự ảnh hưởng của Nga là một nguyên tắc hệ tư tưởng quan trọng. 

Điều đó đã thay đổi khi Tổng thống Trump nhậm chức, và chính phủ Ukraine không thể dựa vào sự ủng hộ theo cách tương tự kể từ đó. 

Mỹ đã viện trợ quân sự bao nhiêu cho Ukraine? 

Mỹ đã có mối quan hệ lâu đời với quân đội Ukraine và cam kết hỗ trợ 1,5 tỷ USD viện trợ từ năm 2014. 

Phần lớn trong số đó được chi cho việc huấn luyện binh sĩ và trong các nỗ lực nhằm hiện đại hóa cách thức quân đội Ukraine được tổ chức và vận hành. 

Đợt viện trợ gần đây nhất, vốn bị chính quyền Trump trì hoãn và sau đó "cởi trói", trị giá 391 triệu USD và bao gồm một loạt các vũ khí và hỗ trợ kỹ thuật. 

Viện trợ quân sự của Mỹ vừa có tầm quan trọng đối với quân đội Ukraine vừa có ý nghĩa tượng trưng. Trước đây quân đội Ukraine luôn hiểu rằng được Mỹ ủng hộ nhưng điều này giờ đây không còn là hiển nhiên. 

Sự bếp bênh về viện trợ và những lời chỉ trích thường xuyên của Tổng thống Trump đối với Ukraine gần như chắc chắn sẽ có lợi cho Nga trong các cuộc đàm phán hòa bình. 

Ukraine có liên quan thế nào trong cuộc điều tra luận tội nhằm vào ông Trump? 

Cuộc điều tra luận tội liên quan tới chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và đối thủ chính trị tiềm tàng của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2020 - cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden. Ukraine có liên quan tới cả hai. 

Cho tới nay, không người Ukraine nào được đề nghị ra điều trần. Cuộc điều tra thay vào đó tập trung vào các kênh liên lạc chính thức và không chính thức giữa Washington và Kiev. 

Thái độ “lạnh nhạt” của Tổng thống Mỹ với Ukraine xuất phát từ chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Khi đó, người quản lý chiến dịch của ông Trump là Paul Manafort đã buộc phải từ chức sau khi các tài liệu xuất hiện tại Ukraine cho thấy ông này từng nhận các khoản chi ngoài sổ sách từ một đảng chính trị thân Nga tại Ukraine. 

Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông cáo buộc rằng, bằng việc công khai các tài liệu đó, giới chức Ukraine đã can thiệp một cách không công bằng nhằm ủng hộ đối thủ của ông ở đảng Dân chủ - Hillary Clinton. Bất chấp các nỗ lực từ luật sư Rudy Giuliani của ông Trump, các bằng chứng ủng hộ cáo buộc của nhà lãnh đạo Mỹ vẫn rất ít. Trong khi đó, ông Manafort đã bị bỏ tù vì các tội danh tài chính. 

Cha con ông Biden bị cáo buộc gì? 

Cha con ông Biden đã trở thành phần trung tâm của cuộc điều tra luận tội, trong đó hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tiếp cận ở các góc độ khác nhau. 

Vụ việc liên quan tới một giai đoạn từ năm 2014-2015, khi Phó tổng thống Biden khi đó là cánh tay phải của Tổng thống Obama về Ukraine. Cùng thời điểm đó, con trai của ông Biden là Hunter Biden có một vị trí cấp cao trong một công ty khí đốt của Ukraine. 

Phe Dân chủ đang cố gắng chứng minh rằng ông Trump đã sử dụng viện trợ quân sự của Mỹ và một chuyến thăm Nhà Trắng để đổi lấy việc Tổng thống Ukraine phải mở một cuộc điều tra nhằm vào cha con ông Biden. 

Trong khi đó, đảng Cộng hòa đang cố gắng thúc đẩy một cuộc điều tra về cha con ông Biden. Họ muốn biết tại sao ông Hunter được trả nhiều tiền, và liệu ông Biden có dùng ảnh hưởng chính trị để giúp con trai ông có được vị trí trong công ty khí đốt hay không. 

Chính phủ và người Ukraine nghĩ gì về vụ bê bối?

Khi cuộc điện đàm gây tranh cãi hôm 25/7 giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trở thành tâm điểm chú ý, ông Zelensky ban đầu nói rằng ông không cảm thấy áp lực từ Nhà Trắng để tiến hành một cuộc điều tra nhằm vào cha con ông Biden.

Kể từ đó, các tin nhắn văn bản và các lời khai được các nhà ngoại giao Mỹ đưa ra đã cho thấy rõ rằng giới chức Ukraine bị bối rối và lo lắng về việc Mỹ trì hoãn viện trợ quân sự. Và họ đã được thông báo rằng cách để thoát khỏi sự trì hoãn đó là mở cuộc điều tra nhằm vào cả cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và cha con ông Biden. 

Lo ngại về việc có thể lún sâu vào cuộc đấu chính trị giữa các đảng phái tại Mỹ, giới chức Ukraine có liên quan đang từ chối đứng về bên nào trong vụ việc. 

Trong khi đó, người Ukraine quan tâm hơn tới các nỗ lực của tân Tổng thống Zelensky nhằm mang đến hòa bình ở miền đông thay vì cuộc điện đàm với Tổng thống Trump. 

Tổng thống Zelensky gần đây cũng đã đưa ra một loạt các nhượng bộ với hi vọng đưa Nga tới bàn đàm phán.  

An Bình

Theo BBC, Washington Post