1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Mỹ mua lại tên lửa Hawk cũ để viện trợ cho Ukraine?

Minh Phượng

(Dân trí) - Mỹ và phương Tây được cho là đã cạn kiệt các hệ thống phòng không hiện đại. Vì vậy, việc Washington mua lại tên lửa Hawk cũ để viện trợ cho Ukraine có thể coi là một giải pháp tạm thời.

Vì sao Mỹ mua lại tên lửa Hawk cũ để viện trợ cho Ukraine? - 1

Tên lửa Hawk khai hỏa (Ảnh minh họa: The Drive).

Vì sao Mỹ mua lại tên lửa đã bán cho Đài Loan?

Mới đây, Cơ quan phòng vệ đảo Đài Loan cho biết, tên lửa phòng không Hawk do Mỹ sản xuất đã chính thức rút khỏi biên chế chiến đấu vào ngày 29/6. Washington có thể sẽ mua lại những hệ thống này để viện trợ cho Ukraine.

Vì sao Mỹ mua lại tên lửa đã ngừng hoạt động để cung cấp cho Kiev và liệu chúng có thể mang lại sức mạnh gì cho quân đội Ukraine?

Hawk là một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung có tên mã MIM-23A, sử dụng hệ thống dẫn đường bán chủ động bằng radar, có thể đánh chặn các mục tiêu như máy bay, tên lửa hành trình cũng như tên lửa đạn đạo chiến thuật, được đưa vào sản xuất loạt, trang bị cho quân đội Mỹ từ đầu năm 1960.

Hệ thống bao gồm bệ phóng, radar điều khiển hỏa lực, radar cảnh giới nhìn vòng, xe điều khiển, thuộc bố cục điển hình của tên lửa phòng không thế hệ thứ 2. Tên lửa cơ bản hay cải tiến có hình dạng giống nhau, đều áp dụng bố cục khí động học không đuôi.

Ở phiên bản Hawk cải tiến, động cơ nhiên liệu lỏng được thay thế bằng động cơ nhiên liệu rắn lực đẩy kép M112, giúp giảm thể tích, tăng lực đẩy, đồng thời tầm bắn cũng tăng từ 32km của mẫu MIM-23A lên 40km với mẫu MIM-23B.

Tên lửa Hawk đời đầu sử dụng đầu đạn phân mảnh loại XMS được trang bị thuốc nổ mạnh thông thường, khối lượng khoảng 50kg, trong đó khoảng 33kg chứa đầy thuốc nổ H-6.

Loại đạn cải tiến sử dụng đầu đạn sát thương dạng thanh liên tục, có khối lượng khoảng 75kg, sử dụng các mảnh thép nhỏ ở phần cuối, làm tăng mảnh vỡ sát thương.

Vào giữa những năm 1950, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ, chính quyền đảo Đài Loan bắt đầu xây dựng lực lượng phòng không mặt đất, họ đã được cung cấp số lượng lớn tên lửa Hawk phiên bản A và B, trang bị tổng cộng 100 bệ phóng, gần 1.000 tên lửa, trực thuộc phòng không lục quân.

Năm 1995, Đài Loan bắt đầu nâng cấp tên lửa Hawk lên thế hệ thứ 3, đồng thời nâng cấp hệ thống radar trinh sát, hệ thống điện tử. Gói nâng cấp này do một công ty quốc phòng của Israel tiến hành. Tên lửa phòng không Hawk 3 của Đài Loan có tầm bắn tối đa khoảng 45 km.

Một hệ thống phòng không Hawk 3 bao gồm 6 bệ phóng (mỗi bệ 3 đạn), 1 radar trinh sát mục tiêu, radar điều khiển hỏa lực.

Sau khi đưa các hệ thống phòng không thế hệ mới như Thiên Cung do Đài Loan tự phát triển cùng Patriot nhập từ Mỹ vào biên chế, lực lượng phòng vệ của hòn đảo này tuyên bố tất cả tên lửa phòng không Hawk được loại khỏi biên chế.

Vì sao Mỹ mua lại tên lửa Hawk cũ để viện trợ cho Ukraine? - 2

Tổ hợp tên lửa phòng không Buk của Ukraine (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine).

Tên lửa Hawk có hiệu quả ở chiến trường Ukraine?

Việc Mỹ mua lại các tên lửa Hawk đã loại biên nhằm viện trợ cho Ukraine, chủ yếu là để đối phó với các cuộc tấn công chính xác bằng tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV) cảm tử của Nga.

Từ tháng 10/2022, Nga đã thay đổi chiến thuật, bắt đầu sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác để tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Trong chiến thuật tấn công đường không mới của Nga, UAV cảm tử Geran-2 tỏ ra rất lợi hại, có thể bay xa hàng nghìn km với tốc độ khoảng 180km/h bằng cách sử dụng hệ thống định vị vệ tinh, hoạt động trên không liên tục trong khoảng 10 giờ.

Giá của một chiếc Geran-2 khá rẻ (khoảng 20.000USD), do vậy chúng thường được phóng theo nhóm khi chiến đấu, điều này khiến quân đội Ukraine đau đầu.

Theo truyền thông Mỹ, Nga được cho là đã sử dụng 400 chiếc trong tổng số 2.400 UAV Geran-2 nhập từ nước ngoài, để tấn công các mục tiêu của Ukraine.

Để đối phó với những cuộc không kích, các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 hay Buk của Ukraine tỏ ra rất hiệu quả, tuy nhiên chúng lại đang thiếu đạn tên lửa trầm trọng do tiêu hao trong chiến đấu cũng như bị Nga phá hủy.

Trong khi đó, quân đội Ukraine vẫn phải phóng hàng chục quả tên lửa phòng không mỗi ngày để đánh chặn máy bay chiến đấu, UAV, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình của Nga, nhưng Kiev không thể tự bổ sung các tên lửa phòng không thời Liên Xô.

Hiện các nước NATO đã cung cấp cho Ukraine một lượng nhỏ tên lửa phòng không hiện đại như IRIS-T, NASAMS, Patriot cùng một số hệ thống phòng không khác. Số lượng này quá ít, còn lâu mới lấp đầy sự thiếu hụt hỏa lực phòng không Ukraine, vì vậy, Mỹ - châu Âu đang ráo riết tìm kiếm giải pháp.

Vì sao Mỹ mua lại tên lửa Hawk cũ để viện trợ cho Ukraine? - 3

Tổ hợp tên lửa phòng không IRIS-T SLM của Ukraine (Ảnh: Wikipedia).

Military Observer của Mỹ ngày 15/7 cho biết, trước việc Ukraine thường xuyên bị tên lửa hành trình, UAV tự sát của Nga tấn công quy mô lớn, tên lửa phòng không Hawk mà Đài Loan vừa loại biên được cho là phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của Kiev.

Ngoài ra, Hawk còn có khả năng chống tên lửa đạn đạo, dù khá hạn chế, có thể cung cấp khả năng phòng thủ bổ sung khi đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander của Nga.

So với các hệ thống phòng không khác do Mỹ sản xuất, tên lửa Hawk tương đối cơ động. Bệ phóng, radar, đài chỉ huy hỏa lực đều được lắp đặt trên xe tải hoặc xe kéo, có thể di chuyển bất cứ lúc nào tùy ý, đáp ứng nhu cầu của chiến trường, bảo vệ cho các lực lượng chiến đấu ở tuyến trước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điều chưa chắc chắn về việc liệu Hawk có thể phát huy vai trò trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hay không? Vì đã ra đời từ hơn 60 năm trước, loại tên lửa này được đánh giá là một hệ thống vũ khí rất cũ, độ tin cậy không cao.

Theo các nhà sản xuất, tuổi thọ của nhiên liệu tên lửa rắn nói chung chỉ từ 10 đến 20 năm với điều kiện bảo quản phải theo đúng quy định tiêu chuẩn.

Đồng thời, do hệ thống tên lửa Hawk của Đài Loan thường xuyên trực sẵn sàng chiến đấu tại nhiều vị trí khác nhau trên đảo, nên phải thường xuyên cơ động. Việc triển khai, thu hồi khó tránh khỏi những rung động, va đập cơ học, có thể gây ra sự biến dạng của hạt nhiên liệu hoặc các vết nứt bên trong.

Mặc dù Mỹ sẽ tân trang lại những tên lửa này sau khi mua lại, nhưng nếu không có sự thay thế lớn nhiên liệu động cơ tên lửa, một số tên lửa có khả năng gây nguy hiểm như phát nổ tại chỗ khi phóng.

Rõ ràng, phương Tây dường như đã cạn kiệt các hệ thống phòng không, vì vậy, việc Mỹ mua lại tên lửa Hawk của Đài Loan để viện trợ cho Ukraine có thể coi là một giải pháp tạm thời.

Theo Top War, Reuters, Military Observer
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine