1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Israel quyết tâm săn phá đường hầm của Hamas?

Thanh Thành

(Dân trí) - Chính phủ Israel xem việc phá hủy cơ sở hạ tầng của Hamas, trong đó trọng tâm là hệ thống đường hầm, là quan trọng hơn cả việc loại các nhà lãnh đạo của lực lượng này.

Vì sao Israel quyết tâm săn phá đường hầm của Hamas? - 1

Một hệ thống đường hầm của Hamas (Ảnh: AP).

Lực lượng quân sự Israel hiện không có kế hoạch chi tiết nào cho cuộc tấn công trên bộ đang diễn ra ở Dải Gaza. Nhưng mạng lưới đường hầm rộng lớn và chằng chịt của Hamas ở Dải Gaza vẫn luôn được xem là mục tiêu hàng đầu khi Israel thực hiện hàng trăm cuộc không kích mỗi ngày sang Dải Gaza.

Trên thực tế, các cuộc không kích của Israel tiếp tục phá hủy loạt cơ sở hạ tầng hiện đại của Hamas. Tel Aviv còn có xe tăng, lực lượng không quân và hệ thống vũ khí tiên tiến nhất thế giới, cộng với sự hỗ trợ của Mỹ. Nhưng Hamas đã có thể giảm bớt sự bất cân xứng trên chiến trường này thông qua việc ẩn mình và mạng lưới đường hầm dưới lòng đất.

Vì vậy để duy trì lợi thế chiến lược, Israel cần tránh các cuộc chiến dưới lòng đất càng nhiều càng tốt.

Mặc dù sự chú ý hiện đã chuyển sang cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Gaza, việc phá hủy mạng lưới đường hầm của Hamas là nhiệm vụ của lực lượng không quân Israel hơn là của lực lượng bộ binh.

Từ lâu nay, Israel đã chú trọng chiến dịch săn phá đường hầm của Hamas nhưng đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Theo nhận định của chuyên gia Richemond-Barak, con đường đạt được những mục tiêu này sẽ còn lâu dài và đẫm máu.

Bất chấp khó khăn trong việc quản lý những rủi ro này, việc phá hủy mạng lưới đường hầm và công trình ngầm của Hamas vẫn là ưu tiên hàng đầu của quân đội Israel khi hệ thống đường hầm này đang ngày càng phát triển.

Theo các chuyên gia, Israel phải đối mặt với thách thức hoạt động gần như không thể vượt qua trong việc xác định và triệt tiêu các năng lực quân sự dưới lòng đất tại một chiến trường đô thị đầy đường hầm mà Hamas có nhiều năm thiết lập. Nằm rải rác trong "mê cung" dưới lòng đất này là hơn 200 người mà Hamas đang bắt giữ làm con tin. Sự hiện diện của họ khiến các lựa chọn của Israel càng bị hạn chế hơn.

Hamas đã bắt giữ trẻ em, trẻ sơ sinh, phụ nữ và người già làm con tin, cũng như số lượng binh sĩ chưa được xác định.

Cho đến khi tất cả con tin được thả ra, các hoạt động chống phá đường hầm ở Gaza - thông qua các cuộc không kích xuyên sâu hoặc xâm nhập trên bộ - đều khiến mạng sống của họ gặp nguy hiểm và tạo thêm một lớp phức tạp khác cho hoạt động quân sự của Israel.

Trong bối cảnh này, những tình huống khó xử truyền thống liên quan đến chiến tranh đô thị, trong đó nổi bật nhất là nhu cầu giảm thiểu thiệt hại gây ra cho thường dân vô tội, sẽ tăng lên theo cấp số nhân.

Hamas đã đặt toàn bộ bộ máy quân sự của mình bên trong và dưới cơ sở hạ tầng dân sự, từ đường tiếp tế và tuyến đường vận chuyển trong các đường hầm xuyên qua các thành phố của Gaza đến các trung tâm chỉ huy và kiểm soát dưới lòng đất, kho đạn dược, khu sinh hoạt, bệ phóng tên lửa...

Theo phía Israel, các căn cứ quân sự chính của Hamas nằm bên dưới các bệnh viện và trường học của Gaza, đặc biệt là Bệnh viện Al Shifa ở trung tâm thành phố Gaza và dưới nhiều cơ sở do Liên hợp quốc điều hành. Việc này khiến Israel gặp khó khăn hơn nhiều trong việc đạt được những lợi ích quân sự đáng kể.

Nhận thức của Tel Aviv về cách đối phó với mối đe dọa này đã thay đổi hoàn toàn trong những năm qua. Israel cho rằng hoạt động đào hầm của Hamas sẽ dừng lại sau khi người Israel rút khỏi Gaza vào năm 2005.

Và nhận định đó đã được chứng minh là sai: Hamas thực tế đã tăng cường xây dựng hệ thống các đường hầm kiên cố hơn trong 2 thập niên qua. Khi Hamas bắt giữ binh sĩ Israel Gilad Shalit vào năm 2006 thông qua một trong những đường hầm giữa Gaza và Ai Cập, Israel đổ lỗi do không có kế hoạch quân sự đúng cách chứ không phải do đánh giá thiếu sót về mối đe dọa do các đường hầm gây ra.

Israel coi các đường hầm chỉ đơn giản là một phương pháp khác được Hamas sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công chứ không phải là mối đe dọa chiến lược trong tương lai.

Nhận thức đó đã thay đổi kể từ cuộc chiến Gaza năm 2014, còn được gọi là "Chiến dịch Vành đai Bảo vệ", trong đó Israel phát động một chiến dịch trên không, sau đó là một hoạt động trên bộ kéo dài 2 tuần bên trong Gaza.

Khi vào được Gaza, quân đội Israel rất ngạc nhiên trước quy mô hoạt động ngầm của Hamas và tập trung phá hủy các đường hầm xuyên biên giới của lực lượng này. Israel đã lập nhiều đơn vị tinh nhuệ thực hiện nhiệm vụ hoạt động ngầm tìm và phá hủy các đường hầm của Hamas, trong đó có đơn vị Yahalom, nhóm biệt kích chuyên nghiệp của Quân đoàn Kỹ thuật Chiến đấu của Israel.

Mặc dù Israel đã đầu tư rất nhiều vào việc phát hiện đường hầm, bao gồm hàng rào ngầm được trang bị cảm biến mà họ gọi là "bức tường sắt", hệ thống đường hầm của Hamas vẫn "vươn vòi" và ngày càng kiên cố hơn.

Giờ đây, sau cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7/10 của Hamas, thách thức đối với quân đội Israel trong chiến lược săn phá đường hầm Hamas là làm sao có thể tranh giao tranh bên trong các đường hầm tối tăm và ngột ngạt chưa được lập bản đồ của Hamas.

Hamas chiếm thế thượng phong?

Ở địa hình đó, Hamas chiếm thế thượng phong. Lực lượng này đã hoàn thiện nghệ thuật điều động, giao tiếp và sống sót trong hệ thống đường hầm như thế này. Các đường hầm dưới lòng đất vô hiệu hóa khả năng quân sự của Israel và đóng vai trò cân bằng tuyệt vời giữa hai bên.

Máy bay, xe tăng, phương tiện cơ giới và các phương tiện liên lạc hiện đại đều không thể hoạt động dưới lòng đất. Chiến trường 3 chiều trở thành một môi trường mà bất kỳ quân đội tinh vi nào cũng sẽ phải nỗ lực để giành ưu thế.

Vì sao Israel quyết tâm săn phá đường hầm của Hamas? - 2

Bên ngoài cửa vào một đường hầm của Hamas (Ảnh: Times of Israel).

Nhìn bề ngoài, đây là một cuộc xung đột dường như hoàn toàn bất cân xứng giữa một quốc gia có quân đội hiện đại và một lực lượng quy mô nhỏ, nhưng chiến tranh ngầm đã làm giảm sự mất cân bằng này.

Khi khả năng giám sát tiên tiến, tín hiệu tình báo và phương tiện không người lái ngày càng phổ biến trên chiến trường, hoạt động ngầm ngày càng trở nên "hấp dẫn" đối với các nhóm quân sự nhỏ như vậy. Ngay cả những đội quân tinh vi nhất cũng thấy các đường hầm này thực sự rất đáng lo ngại.

Sự hiện diện của các đường hầm gợi lên nỗi sợ hãi sâu sắc về những điều chưa biết và ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của hoạt động quân sự, từ khả năng giữ vững lãnh thổ đến các hoạt động thu thập thông tin tình báo và cứu hộ. Chiến đấu trong đường hầm phủ nhận học thuyết quân sự cơ bản của quân đội hiện đại, vốn đầu tư vào công nghệ để vượt qua những đối thủ yếu kém hơn và cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng trong chiến tranh ngang hàng.

Thiệt hại gây ra cho lực lượng Mỹ trong Trận Iwo Jima vào cuối Thế chiến II là lời nhắc nhở về mức độ nguy hiểm của chiến tranh dưới lòng đất. Khi đổ bộ lên đảo, lực lượng Mỹ đã gặp phải hàng nghìn binh sĩ Nhật Bản cố thủ trong một khu phức hợp đường hầm lớn được trang bị các phòng kiên cố, cửa thép và cơ sở quân y. Trận chiến, khiến khoảng 7.000 lính Mỹ thiệt mạng trong vài tuần, đã chứng minh quy mô và bản chất kinh hoàng của chiến tranh hầm ngầm. Những đường hầm đó, không giống ở Gaza, nằm ở địa hình đồi núi, cách xa dân cư.

Nhưng điểm chung của Iwo Jima và Gaza là đều khiến đối thủ gặp nhiều khó khăn trong việc phá hủy chúng.

Khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố phá hủy 32 đường hầm, trong đó có 14 đường hầm xuyên biên giới vào năm 2014, cùng với một đường hầm dài hơn 100 km khác vào năm 2021, rõ ràng đó là chỉ một phần nhỏ trong mạng lưới ngầm rộng lớn của Hamas bị tấn công. Đây là một trở ngại mà Hamas đã vượt qua kể từ đó.

Việc phá hủy cơ sở hạ tầng ngầm của Hamas ở Gaza vẫn là mục tiêu trọng tâm của quân đội Israel, bất kể chi phí và khó khăn. Điều quan trọng là Israel phải phá hủy thay vì vô hiệu hóa các đường hầm của Hamas. Việc vô hiệu hóa bằng cách đổ xi măng vào đường hầm hoặc bịt kín các lỗ hở không thể loại bỏ vĩnh viễn mối đe dọa an ninh. Việc này tốn thời gian nhưng không hiệu quả.

Máy ủi có thể được sử dụng để làm lộ các đường hầm trong quá trình vận hành trên mặt đất. Máy bay không người lái (UAV), robot hoặc chó có thể giúp Israel dọn dẹp đường hầm của Hamas. Họ có thể cần phải đi vào đường hầm để giải cứu con tin và đây là biện pháp cuối cùng.

Nhưng một chiến dịch trên bộ sẽ không giúp Israel phá hủy bộ máy quân sự ngầm của Hamas. Đây là công việc cần được thực hiện chủ yếu từ trên không, sử dụng vũ khí nhiệt áp, bom phá hầm, đạn dẫn đường chính xác và từ bề mặt sử dụng nhũ tương lỏng, và các công cụ khác và mới hơn do quân đội Israel phát triển. Đây là cách mà hầu hết các quốc gia đã dùng để loại bỏ các mối đe dọa hầm ngầm trong quá khứ và đây cũng là điều Israel nên làm.

Thông tin tình báo quan trọng có thể sẽ xuất hiện khi lực lượng Israel phát hiện ra cách Hamas sử dụng các đường hầm.

Đó là thông tin về các đường hầm xuyên biên giới giữa Gaza và Ai Cập. Liệu nó đã giúp trang bị vũ khí cho Hamas? Và liệu các đường hầm giữa Gaza và Israel có được sử dụng trong cuộc tấn công ngày 7/10 hay không? Hamas có thể sử dụng các đường hầm bổ sung từ đất liền tới biển để xâm nhập vào lãnh thổ Israel.

Có lẽ điều đáng sợ nhất là mối đe dọa từ các đường hầm xuyên biên giới của Hezbollah nếu chiến sự leo thang ở biên giới phía bắc. Israel đã phát hiện 6 đường hầm trong số đó trong Chiến dịch Lá chắn phía Bắc năm 2018. Nhiều đường hầm xuyên biên giới khác của Hezbollah, đã hoặc sắp đi vào hoạt động, có thể được sử dụng để chống lại Israel, bắt giữ con tin hay tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ trong một cuộc đối đầu mở rộng.

Phá hủy mạng lưới đường hầm của Hamas là mục tiêu khó khăn nhất trong sứ mệnh của quân đội Israel hiện nay, nhưng Israel cũng coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhất.

Theo Foreign Affair