1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao hàng không mẫu hạm Mỹ “trên cơ” tàu sân bay Trung Quốc?

(Dân trí) - Chuyên gia quân sự của Nga Konstantin Sivkov nhận định nếu trong kịch bản đối đầu nhau, tàu sân bay Mỹ sẽ đánh thắng tàu sân bay của Trung Quốc nhờ một yếu tố quyết định.

Vì sao hàng không mẫu hạm Mỹ “trên cơ” tàu sân bay Trung Quốc? - 1

Tàu sân bay USS Ronald Reagan (Ảnh minh họa: Hải quân Mỹ)

National Interest dẫn nhận định của chuyên gia Konstantin Sivkov, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Tên lửa và Pháo binh Nga,cho biết nhờ một yếu tố quyết định mà tàu sân bay Trung Quốc có thể sẽ thua trong kịch bản đối đầu với tàu sân bay Mỹ mặc dù Bắc Kinh có lợi thế hơn với các tên lửa chống hạm siêu thanh.

Theo chuyên gia Nga, yếu tố Mỹ sở hữu chính là “khả năng trinh sát trên đại dương vượt trội”.

“Yếu tố cốt lõi quyết định thắng bại trên biển không phải là hỏa lực hay số lượng khí tài quân sự mà chính là khả năng trinh sát trên đại dương. Vượt qua đối thủ ở điểm này, hải quân Mỹ dễ dàng làm chủ cuộc chiến dù Trung Quốc sở hữu tên lửa chống hạm mạnh mẽ”, ông Sivkov nhận định.

Ông Sivkov lấy ví dụ từ trận chiến Midway từ Thế chiến II khi tàu sân bay Mỹ đã đánh chìm các tàu sân bay của Phát xít Nhật nhờ phát hiện được mục tiêu trước, trong khi đối phương vẫn chưa xác định được tàu sân bay Mỹ nằm ở hướng nào.

Mỹ hiện sở hữu đội tàu sân bay mạnh mẽ và đông đảo nhất thế giới trong khi Trung Quốc đang có 1 tàu sân bay và đang chế tạo 1 tàu khác.

Ông Sivkov cho rằng vì Trung Quốc thiếu mạng lưới căn cứ ở nước ngoài nên nếu có kịch bản đối đầu giữa 2 tàu sân bay, nó sẽ chỉ xảy ra trong khoảng 500-1.500 km tính từ đất liền Trung Quốc hoặc đồng minh.

Để đánh bại được tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc cần số lượng lớn tên lửa chống hạm siêu thanh cho các máy bay chiến đấu và ném bom.  

Ngoài ra, tàu sân bay Trung Quốc có lượng giãn nước nhỏ hơn hẳn Mỹ và số lượng máy bay mang được chỉ bằng nửa tàu của Washington. Bắc Kinh sẽ phải phụ thuộc vào đội tàu ngầm, máy bay ném bom H-6K, máy bay trinh sát và vệ tinh để xác định vị trí nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ sở hữu cả phi độ máy bay trinh sát E-2 Hawkeye máy bay tác chiến điện tử  EA-18 và máy bay cảnh báo sớm chuyên làm nhiệm vụ trinh sát.

Chính vì vậy, ông Sivkov tin rằng đội tàu Mỹ sẽ có thể vô hiệu hóa tàu ngầm, máy bay Trung Quốc trước. Song song với đó, tàu ngầm và máy bay Mỹ sẽ nhận nhiệm vụ tìm ra đội tàu mang tên lửa chống hạm của Trung Quốc trước.

Ông Sivkov cho rằng Mỹ hoàn toàn có thể dò ra được tọa độ chính xác của tàu Trung Quốc nhưng phía Bắc Kinh chỉ có thể khoanh vùng chung chung vị trí của vũ khí Mỹ. Điều này có thể sẽ gây tổn hại ngay bước đầu cuộc chiến cho phía Trung Quốc vì họ có thể sẽ mất tàu ngầm, tàu chiến và cả máy bay. Mỹ khi đó có thể sẽ chưa bị thiệt hại nào đáng kể hoặc nếu có thì dường như sẽ ít hơn so với Trung Quốc.

Nếu trong kịch bản tác chiến đối đầu trực tiếp, Trung Quốc chỉ có thể điều một số lượng hạn chế máy bay xuất kích để tấn công vì họ còn phải giữ lại máy bay làm nhiệm vụ bảo vệ trên không. Đến lúc này, số lượng máy bay Mỹ có thể sẽ áp đảo Trung Quốc và có thể chỉ đến lượt tấn công thứ 2, nó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới tàu sân bay Trung Quốc.

Khi đó, tàu và máy bay Mỹ có thể sẽ rút về phòng thủ và ngăn chặn đòn tiến công từ các tàu khác của Trung Quốc và hệ thống tên lửa chống hạm. Ông Sivkov cho rằng hạm đội Mỹ sẽ bị ảnh hưởng sau trận chiến nhưng Trung Quốc dường như thiệt hại nghiêm trọng hơn nếu hải chiến tiếp tục kéo dài.

Đức Hoàng

Theo National Interest

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm