1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khả năng “sát thủ diệt hạm” của Trung Quốc đánh chìm tàu sân bay Mỹ

(Dân trí) - Bất chấp những lời ca ngợi của Trung Quốc về tên lửa diệt hạm DF-26 của nước này, giới phân tích vẫn hoài nghi năng lực thực sự của vũ khí được xem là “sát thủ tàu sân bay” do Bắc Kinh chế tạo.

Khả năng “sát thủ diệt hạm” của Trung Quốc đánh chìm tàu sân bay Mỹ - 1

Tên lửa DF-26 tham gia lễ duyệt binh tại Trung Quốc năm 2015. (Ảnh: Atimes)

Kể từ khi “trình làng” cho tới nay, tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, hay còn gọi là “sát thủ đảo Guam” hoặc “sát thủ tàu sân bay”, vẫn luôn nhận được nhiều lời tán dương ở Trung Quốc. Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc ngày 8/1 lần đầu tiên công bố video phóng thử DF-26 tại cuộc tập trận bắn đạn thật ở khu vực tây bắc nước này.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc khẳng định cuộc phóng thử gần đây đã cho thấy khả năng thay đổi chiều hướng khi đang bay cũng như sức mạnh tấn công tàu chiến đang di chuyển của tên lửa DF-26. Đây được cho là động thái đáp trả của Trung Quốc đối với những hoài nghi của phương Tây về năng lực thực sự của tên lửa DF-26 trong việc hạ gục một tàu sân bay hoặc bất kỳ tàu chiến nào khác.

Theo nhiều nhà phân tích, tên lửa DF-26 rõ ràng được thiết kế để gây tổn hại nặng nề cho lực lượng hải quân Mỹ tại Tây Thái Bình Dương, song liệu vũ khí này có đủ khả năng đánh chìm một tàu sân bay như cảnh báo của Trung Quốc hay không cho đến nay vẫn là câu hỏi gây tranh cãi. Việc đánh chìm một tàu sân bay được cho là đòi hỏi quá sức đối với các hệ thống vũ khí chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc.

Sự thổi phồng của Trung Quốc?

Với tầm bắn tối đa khoảng 4.000 km, tên lửa DF-26 có khả năng tấn công các cơ sở hải quân và khí tài của Mỹ tại đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương. DF-26 có thể mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân, tấn công cả mục tiêu trên biển lẫn trên đất liền.

Theo Hans M Kristensen, giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân thuộc Hiệp hội Các nhà Khoa học Mỹ, khó có thể đánh giá những tuyên bố của Trung Quốc về năng lực chống hạm của DF-26 có đáng tin cậy hay không. Lý do là vì hiện vẫn chưa rõ yếu tố nào Trung Quốc thực sự nhắm tới trong một vụ thử tên lửa như vậy cũng như khả năng của quân đội Mỹ đến đâu trong việc đẩy lùi một cuộc tấn công bằng tên lửa DF-26.

Ông Kristensen thường hoài nghi về các tuyên bố công khai của Trung Quốc liên quan tới năng lực vũ khí. Theo ông, đây có thể là một phần trong chiến dịch tuyên truyền rộng rãi của Bắc Kinh để “dằn mặt” các đối thủ và trấn an người dân trong nước về uy lực của vũ khí Trung Quốc.

“Một cuộc tấn công bằng tên lửa DF-26 thành công nhằm vào một tàu đang di chuyển phụ thuộc nhiều vào các liên kết dễ suy yếu, bao gồm khả năng phản công của Mỹ hoặc các điều kiện khí quyển khó đoán trong một cuộc tác chiến thực tế”, ông Kristensen nhận định.

Khó đánh chìm tàu sân bay

Trung Quốc công bố video thử tên lửa để "nắn gân" Mỹ

Trong một cuộc phỏng vấn với Asia Times vào tháng 11/2017, cựu Bộ trưởng Hải quân Mỹ John F Lehman đánh giá thấp tầm quan trọng của các vũ khí chống hạm. Theo ông Lehman, các hệ thống vũ khí này có thể khiến tàu sân bay dừng hoạt động, song không thể đánh chìm chúng, trừ khi tàu sân bay đó bị tấn công bởi một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Chính quyền Mỹ vẫn có một vài lo ngại về vũ khí chống hạm hiện đại của Trung Quốc. Theo Đánh giá Phòng vệ Tên lửa Mỹ được công bố hồi tháng trước, Trung Quốc đã cải thiện kho tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các căn cứ và khí tài hải quân Mỹ tại Tây Thái Bình Dương, bao gồm các tàu sân bay.

Tuy vậy, nhiều người coi quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc dừng Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký với Nga năm 1987, trong đó cấm Washington và Moscow chế tạo và triển khai các tên lửa tầm trung trên mặt đất, là động thái đáp trả mối đe dọa chiến lược từ tên lửa DF-26 của Trung Quốc. Sau khi rút khỏi INF, Mỹ có thể tự do phát triển các tên lửa mà trước nay họ bị hạn chế và đối phó với DF-26 - tên lửa với tầm bắn nằm trong phạm vi bị cấm của INF.

“Khi DF-26 được phóng đi, chắc chắn tên lửa mang đầu đạn thường có thể gây tổn hại đáng kể cho tàu sân bay (của đối phương). Tuy nhiên các tàu sân bay cực kỳ khó đánh chìm và thực tế này đã được chứng minh trong Thế chiến II cũng như nhiều vụ việc nghiêm trọng trong suốt nhiều năm”, ông Kristensen nhận định.

Joshua Pollack, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chống phổ biến vũ khí James Martin, cũng tin rằng việc đánh chìm một tàu sân bay là không đơn giản.

“Một vũ khí tấn công chính xác được cho là có khả năng xuyên thủng bề mặt của một con tàu và nổ tung phần boong tàu. Tuy nhiên, liệu vũ khí đó có đủ khả năng để đánh chìm một con tàu lớn như tàu sân bay hay không vẫn còn là câu hỏi để ngỏ”, ông Pollack nói.

Chuyên gia Pollack cho biết rất khó để biết liệu tên lửa DF-26 có được thiết kế để đánh chìm các tàu cỡ lớn hay không hoặc đơn giản chỉ là vô hiệu hóa các tàu này. Ông cũng lưu ý rằng một hoặc một một vài vụ nổ trên không trung có thể phá hủy các máy bay và khiến các thủy thủ trên boong tàu thiệt mạng.

Đối với giới phân tích Mỹ, việc tấn công tàu sân bay bằng một vụ nổ trên không trung có thể còn đáng lo ngại hơn nỗ lực đánh chìm tàu sân bay đó. Vụ tấn công này có thể phá hủy tàu sân bay, một biểu tượng được coi là niềm tự hào quốc gia, và khiến hơn 6.000 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Theo nhận định của nhiều nhà quan sát phương Tây, Hải quân Mỹ được trang bị đủ năng lực để đối phó với các hệ thống chống hạm của Trung Quốc.

“Việc đánh chìm một tàu sân bay cũng không làm suy giảm khả năng của Mỹ trong việc tấn công các mục tiêu tại Trung Quốc hoặc các nhóm tác chiến hải quân Trung Quốc. Mỹ vẫn còn nhiều vũ khí tấn công khác và thậm chí đang triển khai nhiều hơn, đủ khả năng tấn công các mục tiêu quân sự của Trung Quốc cả trên đất liền và trên biển”, chuyên gia Kristensen nhận định.

Thành Đạt

Theo Asia Times