1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao tàu sân bay Mỹ khó bị đánh chìm?

(Dân trí) - Thiết kế vững chắc, luôn đồng hành cùng nhóm tàu tác chiến đông đảo và mạnh mẽ là 2 trong số nhiều nguyên nhân là các chuyên gia nhận định rằng tàu sân bay của Mỹ là một “thế lực” gần như không thể bị đánh chìm trên biển.

 

Vì sao tàu sân bay Mỹ khó bị đánh chìm? - Ảnh 1.

Tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN 74) của Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ)

 Tàu sân bay từ trước tới nay luôn là biểu tượng sức mạnh của quân đội Mỹ. Hồi tháng 12 năm ngoái, Chuẩn đô đốc La Viện, phó giám đốc học viện khoa học quân sự Trung Quốc và là một tướng "diều hâu" chống Mỹ, nhắc tới phương án đánh chìm một hoặc hai tàu sân bay Mỹ và khiến Washington chịu tổn thất cực lớn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng đề xuất của ông La Viện không phải là chuyện muốn là có thể làm được.

Theo Business Insider, quân đội Mỹ từng thực hiện bài diễn tập đánh chìm tàu sân bay hồi năm 2005. Họ sử dụng tàu USS America đã bị loại biên để thử nghiệm năng lực phòng thủ của tàu. Từ đó, họ sử dụng kết quả thu được để cải tiến hệ thống phòng vệ của các tàu sân bay trong tương lai. Vào thời điểm đó, USS America bị tấn công dồn dập liên tiếp từ hàng loạt các khí tài khác nhau. Sau 4 tuần hứng “mưa hỏa lực”, USS America lúc này mới chìm hẳn.

Đó là một trong những nguyên nhân vì sao tàu sân bay là một trong những niềm tự hào của quân đội Mỹ. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể đánh bật tàu sân bay Mỹ ra khỏi cuộc chiến, nhưng để đánh chìm tàu sân bay nặng 100.000 tấn của Mỹ lại là một câu chuyện khác.

“Gần như là không thể để có thể tấn công một tàu sân bay trừ khi đối thủ dùng vũ khí hạt nhân”, ông Talbol Manvel, người từng là kỹ sư tham gia dự án chế tạo tàu sân bay lớp Ford, cho biết.

Dài khoảng 335m, các tàu sân bay Mỹ thường bao gồm bộ phận lò phản ứng hạt nhân, thùng chứa nhiên liệu, kho vũ khí và một đường băng phía trên. Xung quanh tàu sân bay là các tàu tuần dương, khu trục thuộc nhóm tác chiến. Các tàu này có nhiệm vụ bảo vệ tàu sân bay khỏi tên lửa, máy bay chiến đấu và ngư lôi đối thủ.

Thiết kế vững chắc

Vì sao tàu sân bay Mỹ khó bị đánh chìm? - Ảnh 2.

Tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) di chuyển trên Biển Đông (Ảnh: Quân đội Mỹ)

 Hiện thời, Trung Quốc có một số vũ khí có thể tấn công tàu sân bay Mỹ trong kịch bản chiến tranh như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng nếu muốn đánh chìm tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc cần phải sử dụng ngư lôi vì các vũ khí này có thể tấn công âm thầm và hơn nữa phòng thủ ngư lôi khó hơn phòng thủ các vũ khí trên mặt nước.

Mặc dù vậy, các tàu sân bay Mỹ có kích thước quá lớn nên để đánh chìm chúng hoàn toàn là một vấn đề không đơn giản.

Ví dụ như các tàu thuộc lớp Nimitz có lượng choán nước tới hơn 100.000 tấn, đây được coi là một trong các tàu chiến lớn nhất trong lịch sử. Nó bao gồm rất nhiều khu vực riêng rẽ bên trong và các quân nhân có thể phong tỏa các bộ phận này khi cần thiết.

Vì kích thước quá lớn, nên để tàu sân bay chìm, nước phải tràn vào một số khu vực nhất định. Trong kịch bản bị trúng hỏa lực, các thủy thủ có thể ngăn không cho nước tràn qua các khu vực khác trên tàu.

Ngoài ra, Mỹ sử dụng trên tàu sân bay nhiều lớp thép bảo vệ. Bản thân các lớp thép này đã có khả năng hạn chế hỏa lực xuyên qua và được sắp xếp tạo ra các khoảng trống ở giữa để giảm bớt áp lực khi đầu đạn phát nổ. Các lớp bảo vệ này cũng đồng thời ngăn chặn các rủi ro có thể xảy tới với kho bom và tên lửa trên các tàu sân bay.

Nhóm tác chiến hùng hậu

Tàu sân bay và các tàu đi kèm hộ vệ được trang bị các radar, sonar và vũ khí nhằm ngăn chặn các tàu tàng hình đối phương áp sát quá gần để tấn công bằng ngư lôi. Ngoài ra, các tàu thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay còn được trang bị thiết bị chống tác chiến điện tử và đánh chặn khí động học để đề phòng tên lửa tấn công. Mặc khác, các tàu này còn sở hữu hàng loạt vũ khí có khả năng tấn công tầm gần khi mối đe dọa áp sát.

Thêm vào đó, Mỹ cũng có trang bị các thiết bị chống lại tàu ngầm, vũ khí có thể được coi là mối đe dọa rất lớn tới tàu sân bay.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, đối thủ thường phải phóng hàng trăm vũ khí vào một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ thì mới có thể hy vọng có một vài vũ khí xuyên qua được lớp phòng thủ dày đặc này. 

Vì sao tàu sân bay Mỹ khó bị đánh chìm? - Ảnh 3.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN 72) phóng tên lửa (Ảnh: Quân đội Mỹ)

 Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là có thể thực hiện kịch bản này. Trước đó, có thông tin rằng Bắc Kinh có khả năng phóng 600 tên lửa để tấn công tàu sân bay Mỹ. Mặc dù vậy, đây là động thái cần có sự cân nhắc vì Trung Quốc không thể biết chắc chắn họ sẽ phải sử dụng bao nhiêu hỏa lực để có thể nhấn chìm tàu sân bay Mỹ và không thể rủi ro phóng ra phần lớn kho vũ khí cho một mục tiêu chưa chắc chắn có thể đánh chìm.

Mặt khác, trong kịch bản chiến tranh nổ ra, Mỹ được cho là sẽ dùng máy bay ném bom và tên lửa tầm xa tiêu diệt kho vũ khí đối thủ trước khi đưa tàu sân bay tiến vào khu vực có thể bị tấn công, các chuyên gia nhận định.

Ngoài ra, dù Trung Quốc sở hữu số lượng vũ khí lớn, nhưng hiệu quả của các vũ khí trên đến đâu vẫn chưa rõ ràng. Để có thể tấn công hiệu quả, các chuyên gia cho rằng các vũ khí của Bắc Kinh cần phải áp sát nhóm tác chiến tàu sân bay. Tuy nhiên, kịch bản này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro cho Bắc Kinh vì hệ thống radar và sonar của Mỹ có thể phát hiện và tiêu diệt khí tài Trung Quốc trước khi các vũ khí này kịp tấn công.

Đức Hoàng

Theo Business Insider

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm