1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao EU đẩy mạnh hiện diện tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?

(Dân trí) - Trọng tâm của thế giới đang chuyển sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương xét về mặt địa kinh tế và địa chính trị, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell nhận định.

Vì sao EU đẩy mạnh hiện diện tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương? - 1

Josep Borrell, Đại diện Ngoại giao cấp cao EU kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (Ảnh: AFP).

Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã công bố chiến lược mới về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bài viết dưới đây, ông Josep Borrell, Đại diện Ngoại giao cấp cao EU kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã giải thích rõ về chiến lược này.

Cam kết của EU đối với khu vực 

Trọng tâm của thế giới đang chuyển sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương xét về mặt địa kinh tế và địa chính trị. Gần đây, việc Australia, Anh và Mỹ quyết định làm sâu sắc hơn mối quan hệ an ninh và quốc phòng (được gọi là nhóm AUKUS) chắc chắn đã gây ra nhiều cuộc tranh luận về những chuyển động tiềm ẩn trong khu vực và cách thức mà các đối tác có thể phản ứng một cách tốt nhất.

Với tư cách là EU, chúng tôi có lợi ích lớn trong tương lai của khu vực và, chúng tôi tin rằng, chúng tôi cũng sẽ có sự đóng góp lớn. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào tháng trước. Thông điệp trọng tâm của Chiến lược đó là EU sẵn sàng đẩy mạnh cam kết tại và với khu vực, giải quyết các vấn đề mà chúng ta đã có hợp tác từ lâu, chẳng hạn như thương mại và đầu tư, nhưng cũng mở rộng sang cả các lĩnh vực còn dư địa để hợp tác nhiều hơn nữa. Ví dụ, hợp tác trong các thách thức chung toàn cầu như hành động khí hậu và chuyển đổi số hoặc về các thách thức an ninh chung như an ninh mạng và hàng hải.

Tại sao hiện nay EU lại đưa ra một chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới? Trong bối cảnh có những chuyển động về kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chúng tôi thấy rằng trật tự khu vực đang ngày càng bị thách thức, do sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng. Chúng tôi có thể quan sát những hệ quả trên khắp thế giới, nhưng rõ ràng nhất là tại khu vực này. Với vai trò của EU, chúng tôi có lợi ích sống còn đối với một trật tự khu vực cởi mở và dựa trên luật lệ. Vì mục tiêu đó, chúng tôi muốn tăng cường hợp tác với tất cả các đối tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có cùng chung mục tiêu với chúng tôi.

Các lĩnh vực ưu tiên

Chúng tôi đã tính đến những điều gì? Cụ thể, chúng tôi đã xác định một số lĩnh vực ưu tiên mà chúng tôi tìm cách làm sâu sắc hơn sự hợp tác trên phương diện thực tế. Lấy ví dụ về Kết nối. EU đang và vẫn là một siêu cường quốc về Kết nối, về mặt thiết lập các tiêu chuẩn phù hợp toàn cầu và về mặt huy động tài chính. Chúng tôi muốn xây dựng các liên kết chứ không phải những sự phụ thuộc lẫn nhau và đó là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ cách tiếp cận bền vững và dựa trên luật lệ đối với vấn đề kết nối.

Một ưu tiên lớn sẽ là sự hợp tác của chúng tôi về các thách thức toàn cầu. Biến đổi khí hậu nằm trong tâm trí của tất cả mọi người. Đây là một thách thức toàn cầu cấp bách, vì vậy chúng ta cần hợp lực để đấu tranh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách tăng mức độ tham vọng trong hành động vì khí hậu của chúng ta trước thềm COP26 ở Glasgow, Anh. Đồng thời, chúng ta nên giải quyết vấn đề suy thoái môi trường trên quy mô lớn hơn bao gồm ô nhiễm rác thải nhựa và mất đa dạng sinh học.

Theo chiến lược này, chúng tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi muốn tăng cường các mối quan hệ đối tác số của mình, bao gồm cả việc hợp tác chặt chẽ với nhau để thiết lập các tiêu chuẩn sẽ định hình cuộc sống số của chúng ta.

Chúng tôi cũng muốn làm sâu sắc cam kết an ninh của mình bao gồm cả chống khủng bố và an ninh mạng, tìm cách làm cho sự hợp tác đó cụ thể nhất có thể. Theo chiến lược này, chúng tôi cam kết xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực mở và dựa trên luật lệ, bao gồm cả các tuyến giao thông trên biển được đảm bảo an ninh, xây dựng năng lực và tăng cường sự hiện diện hải quân của các quốc gia thành viên EU.

Ngoài ra, EU sẽ tìm cách tiến hành nhiều hơn nữa các cuộc tập trận chung và ghé thăm cảng với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có các cuộc tập trận đa phương, nhằm chống cướp biển và bảo vệ sự tự do hàng hải trong khu vực. EU cũng sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực của các đối tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối phó với tội phạm mạng.

ASEAN là một đối tác chiến lược

Về các đối tác mà chúng tôi muốn hợp tác, chiến lược của EU bao trùm tất cả các đối tác của chúng tôi có muốn hợp tác. Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực cực kỳ quan trọng này. Trên thực tế, ASEAN là một đối tác chiến lược của EU và đương nhiên khối này có một vị trí nổi bật và đặc quyền trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chúng tôi. Và Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN và đã kết nối với EU thông qua nhiều hiệp định song phương hơn bất kỳ nước ASEAN nào khác, bao gồm Hiệp định Hợp tác và Đối tác, Hiệp định Thương mại Tự do, Hiệp định Tham gia Khung về Xử lý Khủng hoảng và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư hiện đang trong quá trình phê chuẩn. Ngoài ra, EU cũng mong muốn hợp tác an ninh và quốc phòng hơn nữa với Việt Nam bằng cách đẩy mạnh các hoạt động trong khuôn khổ dự án "Tăng cường hợp tác an ninh ở và với châu Á (ESIWA)", bao gồm an ninh mạng, an ninh hàng hải và quản lý khủng hoảng.

Chúng tôi cũng bao gồm cả Trung Quốc trong các kế hoạch Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình. Trên nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như khí hậu và đa dạng sinh học, sự hợp tác của Trung Quốc là rất cần thiết. Đồng thời, chúng tôi muốn hợp tác sâu rộng hơn với các đối tác dân chủ, cùng chí hướng.

Nói tóm lại, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU là việc mở rộng quy mô và đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác chính trị và kinh tế của chúng tôi trong khu vực. Với một phương châm tổng thể: hợp tác bất cứ khi nào có thể, bảo vệ bất cứ khi nào cần thiết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm