1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao đến giờ Mỹ mới đưa tàu USS Lassen vào tuần tra ở Biển Đông?

Việc tàu USS Lassen đến giờ mới vào tuần tra ở Biển Đông khiến nhiều quan chức Lầu Năm Góc thất vọng vì sự chậm chễ không đáng có của Nhà Trắng.

Lầu Năm Góc “sốt ruột”, Nhà Trắng vẫn nói cần cân nhắc

Theo Reuters, ngay từ giữa tháng 5 vừa qua, Lầu Năm Góc đã tính đến chuyện đưa máy bay quân sự hoặc tàu chiến áp sát các bãi đá mà Trung Quốc cải tạo phi pháp thành các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Đây cũng chính là đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nhằm đối phó với tốc độ cải tạo “chóng mặt” của phía Trung Quốc hòng tạo sự đã rồi”.

Vì sao đến giờ Mỹ mới đưa tàu USS Lassen vào tuần tra ở Biển Đông? - 1

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường US Lassen của Mỹ. (Ảnh AP)

Tuy nhiên, mãi đến hơn 5 tháng sau, ngày 27/10, Mỹ mới đưa tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen đi qua khu vực 12 hải lý quanh bãi Subi mà Trung Quốc cải tạo trái phép thành đảo.

Quá trình thảo luận kéo dài trong nội bộ giới chức Mỹ dường như cho thấy một hình ảnh khác của Nhà Trắng khi các quan chức Chính phủ Mỹ tuyên bố việc điều tàu USS Lassen hoàn toàn nằm trong kế hoạch đảm bảo tự do hàng hải thường xuyên của Mỹ.

Sự thận trọng có phần thái quá của Washington cũng khiến các quan chức quốc phòng Nhật Bản và Philippines- 2 đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á- không khỏi quan ngại rằng tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc sẽ không bị cản trở.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đã chờ đợi hàng tháng trời để được tiến hành tuần tra ở Biển Đông nhưng “năm lần bảy lượt” bị Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ ngăn cản.

Cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều không muốn việc tuần tra của Mỹ ở Biển Đông bị coi là hành vi đáp trả các hành động khác của phía Trung Quốc, như việc hacker Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc xâm nhập vào dữ liệu của 21 triệu quân nhân nước này.

“Họ lo ngại rằng, nếu như chúng tôi khiến mọi người nghĩ rằng, chúng tôi làm vậy để phản ứng với một hành động trước đó của phía Trung Quốc thì điều đó sẽ làm suy giảm sức nặng trong tuyên bố của chúng tôi rằng, việc tuần tra ở Biển Đông là vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế và quyền tự do hàng hải”, quan chức này nói.

Áp lực gia tăng bất chấp lời "trấn an" của ông Tập Cận Bình

Áp lực cho phép quân đội Mỹ được hành động ngày càng tăng trong thời điểu được coi là “nhạy cảm” trong quan hệ Mỹ- Trung khi hai nước xích lại gần nhau hơn sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran và việc Mỹ chuẩn bị đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 9.

Đến cuối tháng 9, giới chức Mỹ đã đi đến đồng thuận rằng phải tiến hành tuần tra ở Biển Đông bất chấp lời trấn an của ông Tập Cận Bình khi còn ở Washington rằng, Trung Quốc không có ý định “quân sự hóa” các đảo mà nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông.

Vì sao đến giờ Mỹ mới đưa tàu USS Lassen vào tuần tra ở Biển Đông? - 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc gặp hồi tháng 9. (Ảnh AP)

Tổng thống Obama, người luôn tránh khả năng đối đầu trực tiếp giữa Mỹ với bất kỳ nước nào cũng như giảm thiểu việc Mỹ phải can dự vào các cuộc chiến, đã phải cân nhắc liệu việc đưa tàu vào tuần tra có thể gây ra một cuộc xung đột vũ trang ngoài ý muốn và gây ra những hệ lụy về ngoại giao và kinh tế nghiêm trọng.

Một quan chức Mỹ lý giải rằng, nguyên nhân sâu xa của việc bàn bạc quá lâu rồi mới đi đến quyết định cuối cùng là để đảm bảo rằng, mọi biện pháp cần thiết phải được tiến hành nhằm giảm thiểu khả năng Trung-Mỹ đối đầu quân sự trên biển.

“Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo rằng chúng tôi đưa ra một quyết định khôn ngoan nhằm đạt được mục tiêu chiến lược tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương, kể cả những vấn đề liên quan đến an ninh biển”, quan chức này nói.

Trì hoãn gây hệ lụy không mong muốn

Một nguồn tin khác cho biết, việc giới chức chính quyền Mỹ chỉ muốn tập trung vào việc tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các bãi đá mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông trong khi lại không muốn khiến Trung Quốc cảm thấy bị “thách thức trực tiếp” đã khiến tiến trình này bị trì hoãn.

Điều này là bởi, trong khi luôn khẳng định sẽ đảm bảo quyền tự do hàng hải trên khắp thế giới, Mỹ không muốn đứng về bên nào trong các tranh chấp về chủ quyền.

Chính vì thế, Nhà Trắng đã cố gắng không quá “lên gân” trong những tuyên bố liên quan đến cuộc tuần tra này. Các quan chức Nhà Trắng chỉ mô tả cuộc tuần tra là nhằm “đảm bảo tự do hàng hải” chứ không phải nhằm “khẳng định một đặc quyền cụ thể nào của Mỹ”.

Tuy nhiên, việc trì hoãn của giới chức Nhà Trắng có vẻ như đã gây ra những hệ lụy không mong muốn. “Việc trì hoãn các cuộc tuần tra chỉ khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn và có thể đi ngược lại với những tính toán của giới chức Mỹ rằng cuộc tuần tra này chỉ nên được coi là một vấn đề hết sức thông thường”, một quan chức nhận định.

Sự hoan nghênh thận trọng từ các đồng minh châu Á

Một cựu quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, từ năm 2014, đã có nhiều lo ngại trong chính giới Mỹ rằng, việc Mỹ không có hành động cụ thể có thể khiến Trung Quốc hiểu lầm rằng, Mỹ đang tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.

Kể từ khi các cuộc cải tạo bãi đá của Trung Quốc diễn ra tháng 12/2013, tính đến tháng 6/2015, Trung Quốc đã cải tạo được 1.170ha đảo. Tốc độ cải tạo đảo ở mức “chóng mặt” của Trung Quốc đã khiến nhiều đồng minh của Mỹ tại châu Á thúc giục Mỹ phải có những hành động cụ thể nhất là sau khi xuất hiện nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy khối lượng đồ sộ những gì Trung Quốc đã làm.

Vì sao đến giờ Mỹ mới đưa tàu USS Lassen vào tuần tra ở Biển Đông? - 3

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo rầm rộ bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. (Ảnh AP)

Tại Philippines, cả giới chức dân sự và quân sự nước này đều hoan nghênh hoạt động tuần tra của Mỹ. Một quan chức Philippines tuyên bố: “Giờ là lúc Mỹ thể hiện rằng mình vẫn quan tâm đến các vấn đề trong khu vực”.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, dù ủng hộ các cuộc tuần tra của Mỹ, giới chức Nhật Bản vẫn thận trọng đặt câu hỏi: Hoạt động tuần tra này sẽ kéo dài trong bao lâu?

“Tôi nghĩ rằng, nhiều người đã “thở phào nhẹ nhõm” Mỹ đã thực thi được những gì mà họ tuyên bố”, cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản Kunihiko Miyake nói.

Giới chức Mỹ từ lâu hiểu rõ rằng, chỉ tuần tra không thôi là chưa đủ để buộc Trung Quốc phải dừng hoạt động cải tạo và chấm dứt tuyên bố chủ quyền phi lý của mình. Tuy nhiên, họ đều cho rằng, hoạt động này là cần thiết để thách thức chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông một cách mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đổ lỗi về sự chậm trễ trong việc ra quyết định cho Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Doug Paal, Giám đốc Chương trình châu Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Thế giới, nhận định, chính trong lòng Hải quân Mỹ cũng bất đồng trong nhiều năm qua về việc có nên tuần tra tại Biển Đông hay không?

“Tuy nhiên, đến giờ cả Washington và Bắc Kinh đề phải thể hiện cho người dân của họ rằng, họ đều rất cứng rắn và không dễ dàng chịu khuất phục trong khi vẫn phải kiềm chế để không gây ra những cuộc đối đầu vô nghĩa”, ông Paal nói./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN

Vì sao đến giờ Mỹ mới đưa tàu USS Lassen vào tuần tra ở Biển Đông? - 4