Vì sao Damascus nhanh chóng "thất thủ" trước phiến quân nổi dậy?
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng quân đội Syria quá "mong manh" trước đà tiến công của lực lượng phiến quân, dẫn đến sự thất thủ của Damascus.
Nhóm vũ trang Hayat Tahrir-al-Sham (HTS) và các lực lượng dân quân chống chính phủ Syria khác đã tiến vào thủ đô Damascus hôm 7/12, chiếm quyền kiểm soát thủ đô của Syria và tuyên bố Damascus thất thủ.
Lực lượng phiến quân tuyên bố Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chạy khỏi Damascus. Các trang web dữ liệu chuyến bay cũng cho thấy máy bay của Tổng thống Bashar Assad đã rời khỏi thủ đô.
Thủ tướng Syria Mohammad al-Jalali đã đề nghị hợp tác "với bất kỳ nhà lãnh đạo nào do người dân lựa chọn", đồng thời sẵn sàng chuyển giao quyền lực.
HTS đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ từ tỉnh Idlib do phe đối lập kiểm soát ở miền bắc Syria vào tuần trước. Các chiến binh đã đẩy lùi quân đội Syria khỏi các thành phố Aleppo, Hama, Homs và Al-Qusayr tại biên giới với Li Băng.
Các nhóm đối lập và chiến binh khác hoạt động ở Syria cũng đã kiểm soát một số khu vực của Syria. Quân đội Syria Tự do (FSA) do Mỹ hậu thuẫn đã chiếm được Palmyra, trong khi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cũng được Mỹ hậu thuẫn đã chiếm giữ Deir ez-Zor.
Elias Hanna, một nhà phân tích quân sự, cho biết quân đội Syria liên tục tuyên bố "tái triển khai lực lượng" khi họ rút lui khỏi các thành phố. Tuy nhiên, quân đội Syria đã không thiết lập được hệ thống phòng thủ để cản đà tiến công của lực lượng phiến quân.
"Không ai ngờ rằng quân đội Syria lại mong manh đến vậy. Điều này cho thấy quân đội này thiếu ý chí chiến đấu, từ Aleppo tới tận thủ đô Damascus", bà Hanna nói.
Chuyên gia Hanna cũng đặt ra câu hỏi về sự vắng mặt của Sư đoàn 4 của quân đội Syria, một lực lượng được trang bị vũ khí tốt với hàng chục nghìn binh lính. Lực lượng này do em trai của Tổng thống al-Assad, thiếu tướng Maher al-Assad, chỉ huy.
"Hôm nay, câu hỏi đặt ra là: Những lực lượng này đã đi đâu? Thiết bị của họ đã đi đâu?", nhà phân tích đặt câu hỏi về việc Damascus thất thủ.
David Des Roches, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Cận Đông và Nam Á, cho rằng lực lượng phiến quân Syria đã thành công trong đợt tấn công chớp nhoáng là do "sự thiếu nhuệ khí và năng lực lãnh đạo" của quân đội chính phủ Syria.
"Khi lực lượng Iran và Nga hỗ trợ chính phủ Syria vào năm 2014, một số báo cáo cho rằng lực lượng quân đội Syria về cơ bản không được chỉ huy tốt và không quan tâm đến hoạt động chiến đấu thực sự. Các chiến dịch chủ yếu do các lực lượng ủy nhiệm được Iran hậu thuẫn thực hiện với sự hỗ trợ của sức mạnh không quân Nga", ông Roches nói với Al Jazeera.
"Khi không còn sức mạnh không quân Nga và các lực lượng ủy nhiệm do Iran hậu thuẫn không thể tham gia chiến đấu, quân đội Syria bị suy sụp tinh thần, chỉ huy yếu, trang bị kém. Không ai muốn mạo hiểm trong những hoàn cảnh như vậy", chuyên gia nhận định.
Theo Joshua Landis, một chuyên gia về Syria và là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, chính quyền Syria không có tiền để trả lương cho quân đội và người dân đã kiệt sức, góp phần khiến quân đội Syria chỉ còn cách "tan chảy" trước lực lượng nổi dậy đang tràn vào.
Ông Landis cho biết chính quyền Tổng thống al-Assad đang chịu nhiều lệnh trừng phạt khác nhau và Mỹ kiểm soát hầu hết dầu khí của Syria.
"Sau đó, cuộc tấn công bất thường của Israel đã giáng đòn mạnh vào Hezbollah, kìm chân Iran và thực sự làm suy yếu quân đội Syria với khoảng 3 cuộc tấn công mỗi tuần vào quân đội Syria, phá hủy các nhà máy quân sự và dân quân Iran", chuyên gia cho biết thêm.
Theo ông Landis, chính quyền Tổng thống al-Assad đã bị suy yếu và không còn đồng minh, trong khi nhóm phiến quân đã tự xây dựng lại lực lượng và tìm cách thay đổi để thích ứng với điều kiện hiện tại.
James Dorsey, chuyên gia về Trung Đông và là thành viên của Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam tại Singapore, cho biết sự sụp đổ của quân đội Syria "chỉ là câu hỏi khi nào, chứ không phải có hay không".
"Điều này chỉ cho chúng ta thấy sự ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống al-Assad mong manh như thế nào và quân đội Syria cũng mong manh ra sao", ông nói, đồng thời cho rằng Tổng thống al-Assad phải chịu trách nhiệm về tình trạng hiện nay ở Syria.
Chuyên gia lưu ý rằng quân đội Syria phần lớn là quân nhân nghĩa vụ.
"Họ bị cưỡng ép vào quân đội, thường không được trả lương xứng đáng và không được bù đắp xứng đáng. Vì vậy, việc họ không đặt cược mạng sống của mình vào một chính quyền không đáp ứng được nhu cầu của họ là điều không quá ngạc nhiên", ông Dorsey nhận định.
Theo ông Dorsey, nhà lãnh đạo Syria coi đây là cuộc chiến chống lại "những kẻ khủng bố" và "phá hoại có hệ thống mọi nỗ lực nhằm đạt được một tiến trình hòa bình, trong đó sẽ có cải cách hệ thống chính trị Syria".