Vì sao đám đông chen nhau sơ tán ở Afghanistan toàn đàn ông?
(Dân trí) - Phần lớn những người kéo tới sân bay ở Afghanistan để tìm đường rời khỏi đất nước là đàn ông, trong khi phụ nữ mới là những người chịu nhiều rủi ro nếu Taliban lên nắm quyền.
"Phụ nữ đang ở đâu?" - câu hỏi được đặt ra trong cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Twitter sau khi xuất hiện một bức ảnh được lan truyền rộng rãi, chụp lại cảnh hàng trăm người Afghanistan chen chúc bên trong khoang máy bay vận tải C-17 của Không quân Mỹ rời thủ đô Kabul hôm 15/8.
"Không có nhiều phụ nữ được nhìn thấy tại sân bay Kabul hôm 16/8, khi đám đông kéo tới đường băng trong nỗ lực tuyệt vọng để tìm cách rời khỏi đất nước", BBC đưa tin.
Một người dùng Twitter ở Anh cho biết: "99% những người được nhìn thấy trong các bức ảnh là đàn ông".
Khi xem những bức ảnh chụp người dân tìm cách trốn chạy khỏi Afghanistan, nhiều người thừa nhận có sự chênh lệch đáng kể giữa tỷ lệ đàn ông và phụ nữ.
Phần lớn những người xuất hiện ở sân bay Kabul là đàn ông. Một số quan điểm cho rằng những người đàn ông đã "bỏ rơi" phụ nữ ở lại khi tìm cách trốn khỏi đất nước, nhưng có những nguyên nhân phức tạp phía sau câu chuyện này.
Theo Washington Post, tương tự các trường hợp tị nạn khác, đàn ông thường là những người đi trước. Họ sẽ sắp xếp mọi thứ để vợ con tìm được nơi an toàn trong tương lai.
Tị nạn không phải là một phương án dễ dàng lựa chọn cho tất cả mọi người. Trở thành một người tị nạn đồng nghĩa với việc phải vượt qua biên giới các nước và đối mặt với nhiều vấn đề khác. Đây là một hành trình gian khổ, nguy hiểm và tốn kém. Đối với nhiều gia đình, chi phí cho hành trình tị nạn quá đắt đỏ.
Thay vì tất cả cùng tị nạn, phương án khả thi nhất đối với nhiều gia đình là tập trung mọi nguồn lực, thậm chí vay những khoản nợ lớn, để chi trả cho một người đi trước. Sau khi người này tới nơi an toàn, họ có thể làm thủ tục xin tị nạn, làm việc và đưa những người còn lại trong gia đình cùng sang.
Ở những nơi vẫn tồn tại tình trạng bất bình đẳng giới như Afghanistan, những người đàn ông trẻ hơn sẽ là những người tị nạn trước, sau đó hỗ trợ các thành viên khác trong gia đình rời đi.
Trong suốt nhiều năm, phụ nữ Afghanistan phải đối mặt với tình trạng bị phân biệt đối xử và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Tình trạng này có thể sẽ càng tồi tệ hơn khi Taliban lên nắm quyền vì lực lượng này từng có những luật lệ hà khắc với phụ nữ.
Phụ nữ Afghanistan không đủ khả năng tích lũy các điều kiện cần thiết, hoặc tự tìm đường rời khỏi đất nước. Họ ngày càng phụ thuộc vào việc các thành viên nam trong gia đình và chỉ có thể tị nạn sang nước khác bằng hình thức đoàn tụ.
Mặc dù phụ nữ chiếm khoảng một nửa trong số những người tị nạn, nhưng số lượng này giảm đáng kể khi nước xin tị nạn cách xa nơi xuất phát. Phụ nữ phải đối mặt với hàng loạt nguy hiểm rình rập trên hành trình tị nạn, từ lạm dụng, bắt cóc cho tới cưỡng ép, thậm chí cái giá mà họ phải trả còn lớn hơn.
Khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, phụ nữ đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Tuy nhiên, họ không thể bỏ trốn một mình. Do vậy, việc để những người đàn ông gánh trách nhiệm tị nạn trước vẫn là lựa chọn của số đông.