1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao cuộc chiến Idlib sẽ rất khốc liệt?

(Dân trí) - Cuộc chiến cuối cùng ở Idlib, miền bắc Syria, có thể là bước ngoặt giúp Syria thoát khỏi cuộc nội chiến dai dẳng suốt 7 năm qua, nhưng giới quan sát cảnh báo đây cũng có thể sẽ là một cuộc chiến thảm khốc nhất tại chiến trường này.


Hàng triệu người ở Idlib có thể phải tìm nơi lánh nạn nếu cuộc chiến cuối cùng xảy ra ở đây. (Ảnh: AFP)

Hàng triệu người ở Idlib có thể phải tìm nơi lánh nạn nếu cuộc chiến cuối cùng xảy ra ở đây. (Ảnh: AFP)

“Nhà tù mở lớn nhất thế giới”

Gần đây, Idlib bắt đầu trở thành điểm nóng của Syria khi quân đội Syria với sự hậu thuẫn của lực lượng Nga và Iran được cho là chuẩn bị tổng tấn công nhằm giải phóng thành trì cuối cùng do các nhóm vũ trang có liên hệ với lực lượng khủng bố al-Qaeda chiếm đóng.

Idlib là một tỉnh nằm ở miền bắc Syria và hiện là thành trì của 70.000 tay súng phiến quân và gần 3 triệu dân thường.

Idlib bị ví như một "nhà tù mở lớn nhất thế giới" khi mà các hạ tầng phúc lợi ở đây như bệnh viện, trường học và các hạ tầng thiết yếu khác đều trở thành mục tiêu của các cuộc không kích của các bên tham chiến.

Tình hình ở Idlib cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của các nước phương Tây, trong đó Mỹ và các đồng minh được cho là đang lên kế hoạch không kích Syria nhằm ngăn kế hoạch quân sự của Syria ở Idlib.

Cuộc chiến cuối cùng ở Idlib, nếu xảy ra, được dự báo có thể là cuộc chiến thảm khốc nhất từ trước tới nay ở "chảo lửa" Trung Đông.

Nguy cơ đối đầu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ


Nga có thể sẽ lựa chọn phương án can thiệp có chừng mực tại Idlib. (Ảnh: RT)

Nga có thể sẽ lựa chọn phương án can thiệp có chừng mực tại Idlib. (Ảnh: RT)

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mô tả Idlib là "điểm nóng cuối cùng của những kẻ khủng bố". "Do vậy, quan điểm chung của chúng tôi là tụ điểm này phải bị quét sạch", Ngoại trưởng Lavrov nói hôm 29/8.

Phía Nga cáo buộc rằng, lực lượng phiến quân ở Idlib do Mỹ hậu thuẫn dường như đang lên kế hoạch dàn dựng một vụ tấn công hóa học nhằm đổ lỗi cho chính phủ Syria, tạo cái cớ để Mỹ và đồng minh tiến hành một cuộc không kích nữa vào Syria. Với dự đoán đó, Ngoại trưởng Lavrov cảnh báo Mỹ và các đối tác “đừng đùa với lửa” ở Syria.

Cùng lúc đó, Nga bắt đầu triển khai cuộc tập trận hải quân quy mô lớn sát vùng biển Syria trong một động thái được cho là “nắn gân” Mỹ sau khi cáo buộc Mỹ và các đồng minh đã tăng cường lực lượng sẵn sàng cho một cuộc tấn công Syria từ Địa Trung Hải và các căn cứ ở các nước lân cận.

Giới quan sát cho rằng, cuộc chiến ở Idlib nếu xảy ra cũng gây không ít phiền toái cho Moscow. Cuộc chiến này có thể khiến Nga "lún sâu" hơn vào cuộc khủng hoảng Syria, mặt khác có thể tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, bất cứ cuộc tấn công nào vào Idlib cũng là một thảm kịch bởi nước này đã tiếp nhận hàng triệu người tị nạn Syria và khó lòng tiếp nhận thêm nữa nếu hàng triệu dân thường và phiến quân ở Idlib chạy qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là chưa kể đến việc lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hiện diện với vai trò là lực lượng đảm bảo Idlib là "khu vực giảm căng thẳng".

Để ngăn chặn thảm kịch, Thổ Nhĩ Kỳ một mặt phối hợp với chính quyền Syria, Nga và Iran tìm ra một giải pháp chung cho Idlib. Mặt khác, Ankara cũng thuyết phục các nhóm vũ trang ở Idlib tuyên bố giải thể. Song hiện tại không có gì đảm bảo những nỗ lực này của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mang lại kết quả như mong đợi.

Alexey Khlebnikov, một chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Đối ngoại Nga, nhận định: "Nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa quân đội Syria (do Nga hậu thuẫn) và Thổ Nhĩ Kỳ rất khó xảy ra. Bởi nếu xảy ra, nó sẽ đẩy Ankara vào tay Mỹ, điều đó đi ngược lại lợi ích của Moscow".

Các chuyên gia cho rằng, Nga có thể sẽ lựa chọn can thiệp hạn chế trong chiến dịch quân sự ở Idlib để tránh làm tổn hại đến Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến dịch này có thể bắt đầu từ phía nam Idlib, nơi tập trung ít lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Minh Phương

Tổng hợp