1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao châu Âu phải cứu Hy Lạp?

Bất chấp việc không đưa ra quyết định thực tiễn nào về danh mục cải cách mà Hy Lạp có nghĩa vụ tiến hành, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 25-6 ở Brussels (Bỉ) đã kết thúc với quyết định bằng mọi giá phải giữ Hy Lạp ở lại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Đồng thời Athens phải tiến hành cải cách cơ cấu theo yêu cầu của chủ nợ. Tuy nhiên, vì sao châu Âu phải cứu Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ phá sản? Câu hỏi đó được tờ Libération của Pháp giải thích rằng, cứu Hy Lạp chính là cứu châu Âu.

Theo phân tích của tờ báo này, cuộc khủng hoảng châu Âu, trên thực tế, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp. Cách đây 5 năm, cựu Thủ tướng Georges Papandréou buộc phải kêu gọi các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) giúp đỡ. Do thiếu các biện pháp cải cách cần thiết, Hy Lạp không có khả năng đi vay trên các thị trường tài chính.

Vì sao châu Âu phải cứu Hy Lạp?
Các chủ nợ họp tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 25-6 nhằm tìm giải pháp giữ Hy Lạp ở lại Eurozone. (Ảnh: AP)
 
Cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp không phải là trường hợp duy nhất mà EU đã trải qua. Vào cuối năm 2010 và đầu 2011, Ireland và Bồ Đào Nha cũng lần lượt trải qua thời kỳ này do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ.
 
Hai nước đã chấp nhận những chính sách “thắt lưng buộc bụng”, giống như những biện pháp mà “bộ ba chủ nợ”, gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đang yêu cầu Hy Lạp thực hiện. Sau ba năm, cả Ireland lẫn Bồ Đào Nha đã thoát khỏi vực thẳm.
 
Từ năm 2013, đảo quốc Síp, Italia cũng đang trên đà phục hồi kinh tế. Ngoài ra, còn phải kể tới Tây Ban Nha, sau khủng hoảng “bong bóng bất động sản”, đã tự khôi phục và áp dụng nhiều biện pháp cải cách rất cứng rắn.
 
Như vậy, chỉ còn mỗi trường hợp cá biệt Hy Lạp. Khác với những nước trên, vấn đề của Hy Lạp là do quốc gia này không thực sự có được một cơ cấu kinh tế vững vàng. Theo nhận xét của nhà báo Takis Theodoropoulos, Hy Lạp không có một mạng lưới công nghiệp như Italia hay Tây Ban Nha. Ngoài ngành du lịch và dầu ô liu, Hy Lạp không có nguồn thu nhập ngoại tệ nào cả.
 
Yếu tố khiến cử tri bỏ phiếu cho Đảng Syriza vì họ đã chán ngấy chế độ cũ và họ cũng quá mệt mỏi vì khủng hoảng kinh tế kéo dài. Ngày 25-1-2015, khi bỏ phiếu tín nhiệm đảng cực tả, cử tri Hy Lạp không làm một cuộc cách mạng mà chỉ mong có một sự thay đổi để đời sống đỡ cơ cực hơn.
 
Nhưng Thủ tướng Alexis Tsipras không thể đem lại phép màu nào cho người dân khi thực tế cho thấy có từ 1,5 triệu đến 2 triệu người đi làm, trong khi đó lại có 3 triệu người ngồi nhà lĩnh lương hưu. Đảng Syriza cầm quyền thực sự "bó tay" với bài toán nan giải đó khi không thể đem lại công ăn việc làm cho người dân.

Bên cạnh đó, vai trò yếu kém của nhà nước cũng là một yếu tố gây ra khủng hoảng tại Hy Lạp. Ngày nào mà Athens không khắc phục được nhược điểm đó thì chưa thể tính tới một cuộc cải tổ thấu đáo.

Đối với “bộ ba chủ nợ”, cuối năm 2000, khi chấp nhận Athens trở thành thành viên của Eurozone, các quốc gia thành viên cùng với “bộ ba chủ nợ” này không biết rằng Hy Lạp đã cung cấp thông tin chưa chính xác về số liệu và tình trạng nền kinh tế của nước này.
 
Hơn nữa, vào năm 2005, chính phủ bảo thủ mới của Hy Lạp chính thức công bố nợ công của nước này đã giảm xuống còn một nửa trong vòng 4 năm. Ahtens tiếp tục nói dối tới năm 2009, nhưng đến thời điểm này thì quá trễ để có thể phản ứng một cách hiệu quả, do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007- 2008 đã khiến tình hình thay đổi hoàn toàn.

Các nhà lãnh đạo châu Âu lúc này buộc phải “nặng tay” hơn đối với một quốc gia mà họ biết rõ điểm yếu. Đối với châu Âu, vấn đề không chỉ nhằm cải thiện một vài điểm yếu mà phải khôi phục lại cả một quốc gia dựa trên những nền tảng mới. Và công việc này cần rất nhiều thời gian.

Căng thẳng về vấn đề Hy Lạp đạt tới đỉnh điểm khi Đức và một số nước khác muốn sửa sai lầm từ năm 2000, bằng cách chấp nhận để Hy Lạp ra khỏi Eurozone, đồng thời coi đây là bài học cho những nước có ý định không tôn trọng kỷ luật chung.
 
Nhưng sẽ không ai dự đoán được các thị trường phản ứng ra sao trước việc Eurozone không đủ khả năng giải quyết một vấn đề chỉ chiếm có 2% GDP của khối. Sự nghi ngờ trên sẽ phá hỏng niềm tin vào đồng euro và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
 
Các chủ nợ của Hy Lạp bắt đầu ý thức được rằng “con giun xéo mãi cũng quằn”. Không một quốc gia nào, kể cả những nền kinh tế đang thịnh vượng nhất có thể dành ra đến 4,5% GDP để thanh toán cho các chủ nợ trong 20 năm liên tiếp. Khăng khăng đòi Ahtens trả nợ và cân bằng ngân sách, giảm nợ công chỉ làm dấy lên thêm tinh thần “bài châu Âu” trên xứ sở của Platon mà thôi.
 
Vì vậy, giải pháp hợp lý nhất lúc này là, bằng mọi giá, giữ Hy Lạp lại trong khối, dù việc này sẽ rất tốn kém. Thay vì thúc bách, các đối tác phải để cho Ahtens có thời gian tái xây dựng. Có như thế, may ra còn cứu được Hy Lạp và cả châu Âu.
 
Theo Bình Nguyên
Quân đội Nhân dân