1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao cảnh sát Mỹ nổ súng nhiều nhất thế giới và ít bị truy tố?

Đặc biệt chỉ tính riêng trong tháng 3-2015 - tháng mà những cuộc bạo loạn sắc tộc bùng nổ ở Mỹ, cảnh sát nước này đã bắn chết 111 người, nhiều hơn số người chết trong tay cảnh sát Anh trong 100 năm. Tám tháng năm 2015, số nạn nhân bị cảnh sát giết hại là 776 người.

Tỷ lệ các vụ nổ súng gây tử vong của cảnh sát Mỹ cao gấp 18 lần so với cảnh sát Đan Mạch và 100 lần so với cảnh sát Phần Lan, chưa kể việc cảnh sát Mỹ nổ súng gây tử vong thường xuyên hơn so với cảnh sát tại Pháp, Thụy Điển và các nước châu Âu khác.

Nguy hiểm hơn và luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu

Sĩ quan cảnh sát Chicago Jason Van Dyke đã bị buộc tội giết người cấp độ một vào ngày 24/11/2015 và nạn nhân là Laquan McDonald. Một đoạn video được cảnh sát công bố cho thấy Van Dyke đã bắn thiếu niên này 16 viên đạn. Vụ Van Dyke là một minh chứng cực đoan về việc dùng vũ lực gây chết người của cảnh sát Mỹ. Theo thống kê, cảnh sát Mỹ giết vài người mỗi ngày, và giết người nhiều hơn so với cảnh sát châu Âu.

Là một học giả về xã hội học và tư pháp hình sự, Phó giáo sư Paul Hirschfield gần đây đã tìm hiểu lý do tại sao tỷ lệ nổ súng gây chết người của cảnh sát Mỹ lại cao hơn nhiều so với cảnh sát các nước châu Âu.

Sự chênh lệch lớn như vậy không thể đưa ra bằng một lời giải thích đơn giản, nhưng văn hóa được phép sử dụng súng ở Mỹ rõ ràng là một yếu tố quan trọng. Không giống như các quốc gia châu Âu, hầu hết các bang ở Mỹ cho phép người ta dễ dàng mua súng để tự vệ và giữ súng kè kè bên mình.

Có được khẩu súng bất hợp pháp ở Mỹ không phải là việc khó khăn. Khoảng 57% nạn nhân bị giết chết trong năm 2015 được cho là có trang bị súng mô hình và súng thật.

Cảnh sát bắt người tại St Louis tháng 8/2015.
Cảnh sát bắt người tại St Louis tháng 8/2015.

Cảnh sát Mỹ đều được trang bị súng. Bóng ma của nạn bạo lực súng ống có thể khiến họ dễ xác định sai hoặc phóng đại những mối nguy hiểm đến từ phía đối phương. Điều này có thể khiến cảnh sát Mỹ nguy hiểm hơn và luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Hơn nữa, nó cũng cổ súy sự "dũng cảm" và hung hăng trong tư tưởng cảnh sát Mỹ. Những người Mỹ mà chỉ trang bị vũ khí ít gây chết người như dao - và thậm chí là tay không - cũng là những nạn nhân dễ bị cảnh sát giết.

Bạo lực bằng dao là một vấn đề lớn ở Anh, nhưng cảnh sát Anh mới chỉ bắn chết một người lăm le cầm dao từ năm 2008 - một kẻ bắt giữ con tin. Bằng việc so sánh, tính toán của phó giáo sư Paul Hirschfield dựa trên dữ liệu được công bố bởi fatalencounters.org và Washington Post cho thấy, cảnh sát Mỹ đã bắn chết hơn 575 người được cho là cầm dao và các vũ khí khác kể từ năm 2013. Theo dữ liệu nghiên cứu công bố trên một phóng sự điều tra của báo The Washington Post - Mỹ cho thấy một sự thật đáng báo động là, trong 5 tháng đầu năm 2015, cảnh sát Mỹ đã bắn chết 385 người.

Theo The Washington Post, trong các trường hợp tử vong do bàn tay cảnh sát có một nửa là người Mỹ gốc Phi. Hơn nữa, trong số những người thiệt mạng khi không mang theo vũ khí thì 2/3 đối tượng là người da đen hoặc Mỹ Latinh.

Công trình nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hơn 80% số nạn nhân có vũ trang là súng, dao, hoặc những vật dụng có khả năng gây chết người. Tuy nhiên, có tới 49 trong số 385 người bị cảnh sát giết chết là không mang theo vũ khí, 13 nạn nhân mang theo súng đồ chơi chứ không phải súng thật.

Độ tuổi của những người bị giết là từ 16 đến 83, có 8 đối tượng dưới 18 tuổi. Đặc biệt chỉ tính riêng trong tháng 3-2015 - tháng mà những cuộc bạo loạn sắc tộc bùng nổ ở Mỹ, cảnh sát nước này đã bắn chết 111 người, nhiều hơn số người chết trong tay cảnh sát Anh trong 100 năm - một báo cáo của cơ quan đặc biệt thuộc chính quyền Mỹ nêu rõ.

Bản báo cáo được ban hành của nhóm kêu gọi hướng sự chú ý của cảnh sát đến việc xây dựng chiến thuật hoạt động, kiểm soát việc sử dụng vũ khí tùy tiện để có thể giảm bớt số lượng những vụ chết người. Điều này nói lên một thực trạng là, việc sử dụng vũ lực hay nói đúng hơn là "lạm dụng vũ lực" của nhân viên các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ xảy ra quá thường xuyên, đã tạo ra một làn sóng các cuộc biểu tình chống lại sự tàn bạo độc đoán của cảnh sát nước này.

Ít bị truy tố

Tuy cảnh sát Mỹ giết người rất nhiều, trong số đó có hàng loạt những nạn nhân vô tội, nhưng có rất ít người trong số họ bị đem ra xét xử. Scandal ở Baltimore thời gian gần đây là một trong số ít những vụ việc mà cảnh sát bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa được mở vào tháng 7 năm ngoái.

Sĩ quan cảnh sát Chicago Jason Van Dyke bị buộc tội giết người cấp độ một.
Sĩ quan cảnh sát Chicago Jason Van Dyke bị buộc tội giết người cấp độ một.

Bồi thẩm đoàn thành phố Baltimore - tiểu bang Maryland đã buộc tội 6 nhân viên cảnh sát giết chết nạn nhân 25 tuổi người Mỹ gốc Phi Freddie Grey. Anh này bị cảnh sát thành phố bắt giam và sau đó vài ngày đã qua đời tại bệnh viện, bởi chấn thương gãy cổ mà không rõ nguyên nhân.

Sau khi Freddie Gray qua đời ngày 19-4 năm ngoái, tại Baltimore lập tức nổ ra các cuộc biểu tình kéo dài, một số biến thành cuộc đụng độ với cảnh sát, có bạo loạn, đốt phá. Lực lượng Cảnh vệ quốc gia được huy động nhằm lập lại trật tự tại bang này. Theo thống kê, những nhân viên cảnh sát bắn chết người bị cáo buộc về tội hình sự chỉ là 3 trong số 385 trường hợp, như vậy tỷ lệ chưa đầy 1%. Nhìn chung, trong thập niên vừa qua, cảnh sát Mỹ đã nổ súng vào dân thường hàng nghìn lần, nhưng chỉ có 54 trường hợp bị cáo buộc hình sự.

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc

Hãng thông tấn Nga Rossiya Segodnya vừa có bài bình luận cho rằng, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dù công khai hay ẩn giấu cũng đang tác động mạnh mẽ đến đường lối chính trị và hoạt động kinh doanh của Mỹ. Dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, ở hàng chục thành phố thuộc tất cả các tiểu bang của Hoa Kỳ đã xảy ra tình trạng bất ổn, các cuộc biểu tình phản đối việc đối xử bất công với người da đen ngày càng gia tăng, số người Mỹ da màu bị giết, bị bắt bớ đang tăng lên chóng mặt.

Rõ ràng là, điều này đã bác bỏ những tuyên bố chính thức của Nhà Trắng về việc lần đầu tiên một người da màu (ông Obama) giữ ghế tổng thống và tại vị 2 nhiệm kỳ đã chứng tỏ rằng, Hoa Kỳ đã giải quyết thành công vấn đề phân biệt chủng tộc. Những tuyên bố như vậy không phù hợp với thực trạng đời sống kinh tế-xã hội Mỹ hiện nay.

Ngoài phân biệt chủng tộc, cùng với tư tưởng người Mỹ - xem trọng chủ nghĩa cá nhân và sự quản lý hạn chế của chính phủ, đã giải thích lý do tại sao người dân da trắng và các nhà lập pháp lại thường hay ủng hộ hành vi bạo lực, hung hăng của cảnh sát và rất ít hỗ trợ cho tội phạm và người nghèo.

Tính cục bộ cũng khiến chính người da trắng bị giết

Nếu vin vào cớ phân biệt chủng tộc thì cũng không đúng vì người Mỹ da trắng không nói tiếng Tây Ban Nha lại bị giết bởi họng súng của cảnh sát nhiều hơn 26 lần ở Đức. Và dựa vào chuyện phân biệt chủng tộc cũng không giải thích được tại sao các tiểu bang như Montana, Tây Virginia và Wyoming - nơi mà cả thủ phạm và nạn nhân bị cảnh sát bắn hầu như là người da trắng - tỷ lệ này cũng khá cao.

Một lời giải thích có thể được tìm thấy trong đặc tính của cảnh sát Mỹ - đó là tính cục bộ.

Mỗi quận, hạt trong 15.500 quận, hạt của Mỹ đều có trách nhiệm lựa chọn ứng viên, áp đặt kỷ luật và đào tạo cán bộ khi được trang bị một loại vũ khí mới như súng bắn điện Taser. Một số địa hạt có thể thực hiện những việc này hết sức yếu kém. Việc thiếu hụt ngân sách ở một số chính quyền địa phương cũng làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn, chẳng hạn như có thể thấy tình trạng thu phí, phạt, tịch thu tài sản ở Ferguson, Missouri và điều này thúc đẩy các cuộc xung đột tự phát với cảnh sát.

Nguy hiểm hơn ở những thị trấn nhỏ

Hơn một phần tư số nạn nhân bị giết thường xảy ra ở các thị trấn có dân số ít hơn 25.000 người, mặc dù thực tế chỉ có 17% dân số Mỹ sống ở các thị trấn này.

Ngược lại, như một luật định, các thị trấn và thành phố ở châu Âu không hỗ trợ tài chính cho lực lượng cảnh sát của họ. Các cảnh sát trong thành phố nói chung là không có vũ khí và không có thẩm quyền bắt giữ.

Kết quả là, những cảnh sát có vũ trang duy nhất mà người dân thường xuyên nhìn thấy là cảnh sát cấp tỉnh (tương đương với cảnh sát tiểu bang ở Mỹ), và cấp khu vực (các bang ở Thụy Sĩ), hoặc cấp quốc gia.

Hơn nữa, chính sách tập trung như trên có thể dễ dàng đào tạo và đánh giá tất cả các cảnh sát có vũ trang theo cùng một nguyên tắc sử dụng vũ khí. Điều này cũng giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết về việc phòng tránh gây ra chết người trong khi thực hiện nhiệm vụ quốc gia. Tại Mỹ, Tòa án tối cao đã cho phép hành vi dùng vũ lực gây chết người từ năm 1989, trong điều kiện cảnh sát cảm nhận được mối nguy hiểm sắp xảy ra một cách "hợp lý". Có 38 tiểu bang quy định việc dùng vũ lực gây chết người, và hầu như cũng lỏng lẻo như quy định của tòa án tối cao, hoặc hơn.

Theo Văn Nguyễn (tổng hợp)

Cảnh sát toàn cầu