Vì sao California cạn kiệt nước để ngăn thảm họa cháy rừng?
(Dân trí) - Khi cháy rừng bắt đầu xảy ra ở hạt Los Angeles hôm 7/1, California (Mỹ) đã nhanh chóng cạn kiệt nước. Chính quyền bang đang mở một cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân.
Khi hạt Los Angeles phải đối mặt với nhiều vụ cháy rừng lan nhanh cùng một lúc, địa phương này phải đối mặt với một tình huống ác mộng: vòi cứu hỏa hết nước.
"Sao có thể chữa cháy khi không có nước?" Ryan Babroff, một lính cứu hỏa tình nguyện, nói với Washington Post.
Thị trưởng Los Angeles Karen Bass cho biết, trong tuần trước, có thời điểm 20% vòi cứu hỏa của thành phố cạn kiệt. Đến ngày 9/1, lính cứu hỏa đã ngừng khai thác các vòi nước. "Hiện tại, chúng tôi không sử dụng vòi chữa cháy", Kristin M. Crowley, giám đốc Sở cứu hỏa Los Angeles, cho biết.
Đến ngày 10/1, Thống đốc California Gavin Newsom đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về vấn đề vòi nước. "Chúng tôi cần câu trả lời để đảm bảo điều này không xảy ra lần nữa và chúng tôi có mọi nguồn lực sẵn có để đối phó những đám cháy thảm khốc này", ông nhấn mạnh.
Nhà kinh doanh bất động sản và là cựu ứng cử viên thị trưởng Los Angeles Rick Caruso cho rằng tình trạng này là do sai phạm trong quản lý của chính quyền thành phố.
Một số nhân vật cánh hữu lợi dụng tình hình để chỉ trích các chính sách và sự lãnh đạo đảng Dân chủ ở California.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho rằng nguyên nhân là do "sự yếu kém" của Thống đốc và quyết định không mở "đường dẫn nước chính" ở Bắc California. Tỷ phú Elon Musk lập luận rằng mọi thứ, từ việc bảo vệ môi trường cho các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng đến các sáng kiến đa dạng của Sở Cứu hỏa Los Angeles, đều có thể coi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Trong khi đó, theo các chuyên gia và quan chức chính phủ, vấn đề thiếu nước phức tạp hơn nhiều.
Một hệ thống nước đô thị chắp vá cung cấp nước cho Los Angeles lấy nước từ 200 cơ sở tiện ích khác nhau. Chúng hỗ trợ một hệ thống được thiết kế để xử lý các đám cháy ở đô thị, cấp độ thấp hơn, chứ không phải những vụ cháy rừng quy mô lớn từ trên đồi xuống.
Marty Adams, cựu tổng giám đốc và kỹ sư trưởng tại Sở Điện Nước Los Angeles, nói: "Chúng tôi đang đối phó với tình huống hoàn toàn không nằm trong bất kỳ thiết kế hệ thống nước sinh hoạt nào".
Nó giống như một tình huống xấu nhất, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên lập kế hoạch cho những tình huống xấu nhất đó. Bạn không thể đoán trước được mọi thứ", Faith Kearns, chuyên gia về cháy rừng và nước tại Đại học bang Arizona, bình luận.
Cháy rừng bùng phát ở Los Angeles từ hôm 7/1, khiến ít nhất 24 người thiệt mạng, làm hư hại hàng nghìn ngôi nhà, buộc khoảng 150.000 người phải sơ tán. Thống đốc Gavin Newsom đánh giá đây là đợt cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ.