1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những người sống sót sau thảm họa cháy rừng ở Los Angeles: Sợ bị bỏ rơi

Bảo Châm

(Dân trí) - Nhiều cư dân sống sót sau vụ cháy rừng kinh hoàng ở Los Angeles, Mỹ lo ngại nguồn lực của chính phủ sẽ ưu tiên cho những khu vực nổi tiếng, nơi tập trung các ngôi sao hạng A.

Những người sống sót sau thảm họa cháy rừng ở Los Angeles: Sợ bị bỏ rơi - 1

Cư dân ở Los Angeles, California đau buồn khi bị mất tài sản, nhà cửa do cháy rừng (Ảnh: Reuters).

Tại Altadena, một vùng ngoại ô của Los Angeles, nơi những dãy nhà bungalow từng nép mình dưới bóng dãy núi San Gabriel, giờ chỉ còn đống tro tàn và khung xe cháy rụi.

Trong khi các vụ cháy tàn phá khu vực của những người nổi tiếng gần Malibu thu hút sự chú ý toàn cầu, một đám cháy có quy mô tương tự tại Eaton Canyon, phía bắc Los Angeles, đã tàn phá Altadena, một cộng đồng đa dạng về sắc tộc và kinh tế.

Các gia đình người da màu và người Mỹ Latinh đã sống ở Altadena qua nhiều thế hệ. Vùng ngoại ô này cũng thu hút những nghệ sĩ trẻ cùng các kỹ sư làm việc tại phòng thí nghiệm tên lửa NASA gần đó, nhờ vào không khí của thị trấn nhỏ và sự gần gũi với thiên nhiên.

Nhiều cư dân cho biết họ lo ngại nguồn lực của chính phủ sẽ ưu tiên cho những khu vực nổi tiếng, nơi tập trung các ngôi sao hạng A. Trong khi đó, các công ty bảo hiểm có thể gây thiệt thòi cho các hộ gia đình kém khá giả hơn, những người không đủ khả năng tài chính để tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do hỏa hoạn.

"Họ sẽ không trả cho bạn đúng giá trị ngôi nhà đâu... nếu có, bạn cũng phải đấu tranh rất nhiều", bà Kay Young, 63 tuổi, nói, đôi mắt ngấn lệ khi nhìn đống tro tàn đang bốc khói, những gì còn sót lại của ngôi nhà đã gắn bó với gia đình bà qua nhiều thế hệ.

"Sẽ có những người không nhận được đúng những gì họ xứng đáng, và cũng sẽ có người nhận được nhiều hơn những gì họ thực sự cần", Moore, một giảng viên tại Đại học bang California, chia sẻ.

Truyền thông Mỹ đã liên hệ với các công ty bảo hiểm nhà ở lớn tại California để lấy ý kiến.

State Farm, Nationwide, Allstate, Mercury, Liberty Mutual và Farmers đã phản hồi bằng các tuyên bố cho biết họ đang hợp tác với các bên được bảo hiểm để hỗ trợ xử lý yêu cầu bồi thường, nhưng không đề cập cụ thể đến những lo ngại mà cư dân Altadena nêu ra.

Một số cư dân nói rằng họ không thấy bất kỳ xe cứu hỏa nào có mặt tại Altadena vào sáng sớm 8/1, khi họ phải chạy khỏi ngọn lửa đang nhấn chìm cộng đồng. Điều này càng làm tăng sự bức xúc vì họ cảm thấy khu vực của mình không được ưu tiên.

"Chúng tôi không nhận được sự trợ giúp ở đây. Tôi không biết mọi người ở đâu", Jocelyn Tavares, 32 tuổi, nói, khi chị gái và con gái của cô đang đào bới đống đổ nát vẫn còn bốc khói.

Sở Cứu hỏa quận Los Angeles đã chưa phản hồi các cuộc gọi và email đề nghị bình luận của giới truyền thông.

"Niềm tin vươn lên từ đống tro tàn"

Kể từ khi bùng phát vào tối 7/1, vụ cháy Eaton đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và đã lan rộng đến 5.540ha vào tối 9/1, thiêu rụi phần lớn nửa phía bắc của Altadena, một cộng đồng chưa được hợp nhất với khoảng 40.000 cư dân.

Cho đến tận năm 1960, Altadena hầu như toàn là người da trắng. Khi các tuyến đường cao tốc mới được xây dựng trong các dự án cải tạo đô thị phá vỡ các khu dân cư ở Los Angeles, các gia đình người Mỹ gốc Phi bắt đầu mua nhà ở một khu vực vẫn duy trì được mức giá phải chăng trong suốt nhiều thập kỷ.

Cư dân cho biết họ đã trả khoảng 50.000 USD cho một ngôi nhà 3 phòng ngủ ở Altadena vào những năm 1970. Ngày nay, ngôi nhà tương tự sẽ có giá hơn 1 triệu USD.

Đến năm 1990, gần 40% cư dân là người da màu. Hiện, khoảng 18% là người da màu, 49% là người da trắng và 27% là người gốc Tây Ban Nha hoặc Mỹ La tinh, theo Cục Thống kê Dân số Mỹ.

Cư dân Altadena bày tỏ lo ngại rằng khu vực này có thể trở nên giàu có nếu các gia đình đã sinh sống ở đây qua nhiều thế hệ không thể nhận được tiền bảo hiểm để trang trải chi phí xây dựng lại ngôi nhà mà họ đã mua với giá rẻ cách đây nhiều thập niên.

Mặc dù tàn tích ở khắp nơi, nhiều cư dân địa phương vẫn lạc quan về khả năng cộng đồng sẽ vươn lên từ đống tro tàn. Họ chia sẻ những câu chuyện thoát nạn trong gang tấc và những ký ức về năm tháng lớn lên với những người hàng xóm cùng chia sẻ nỗi mất mát này.

Ông Michael McCarthy, 68 tuổi, một nhân viên văn phòng tại thành phố Los Angeles, cho hay ngôi nhà của ông đã được cứu nhờ một người hàng xóm đã liều mình ở lại sau khi mọi người bỏ chạy, dùng vòi nước để phun lên mái nhà.

"Tôi biết cộng đồng này sẽ được xây dựng lại, ở đây ai cũng quen biết nhau, ai cũng yêu thương nhau", ông McCarthy, người dự kiến nghỉ hưu trong năm nay, chia sẻ.