1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao các cựu điệp viên, quân nhân Afghanistan gia nhập IS?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một số người từng là điệp viên tình báo và quân nhân của chính quyền Afghanistan cũ do Mỹ đào tạo đã gia nhập hàng ngũ của nhóm khủng bố khét tiếng IS, vài tháng sau khi Taliban lên nắm quyền.

Vì sao các cựu điệp viên, quân nhân Afghanistan gia nhập IS? - 1

Các phần tử khủng bố ISIS-K (Ảnh: NY Post).

Wall Street Journal đưa tin, các cựu thành viên lực lượng tình báo và các đơn vị quân sự của chính phủ Afghanistan cũ đang phải đối mặt với sự truy lùng của Taliban. Đây là những người từng được Mỹ đào tạo và trước mối đe dọa gia tăng, một số người đã chọn gia nhập vào hàng ngũ của kẻ thù "không đội trời chung" với Taliban ở Afghanistan, đó là nhóm khủng bố IS.

Theo các lãnh đạo Taliban và các cựu thành viên lực lượng an ninh Afghanistan, số lượng những người đã gia nhập vào nhóm khủng bố là không nhiều, nhưng đang gia tăng. Quan trọng hơn cả, những người này có nguy cơ sẽ đem những kinh nghiệm trong lĩnh vực tình báo và kỹ năng chiến đấu mà Mỹ từng đào tạo cho họ tới IS và gây ra mối đe dọa gia tăng.

Một cựu sĩ quan lục quân của Afghanistan từng đảm nhiệm vị trí chỉ huy kho vũ khí và đạn dược ở Gardez, tỉnh Paktia, đã gia nhập IS và bị giết một tuần trước trong cuộc đối đầu với Taliban, theo các nguồn tin.

Một cựu sĩ quan Afghanistan nói rằng, một số người mà ông ta biết, vốn từng làm trong lực lượng tình báo và quân đội của chính quyền cũ, đã gia nhập IS sau khi Taliban khám xét nhà ở của họ và yêu cầu họ ra trình diện trước chính quyền mới.

Một cư dân ở Qarabagh, Kabul nói rằng anh họ của người này, vốn là một cựu đặc nhiệm Afghanistan, đã biến mất hồi tháng 9 và giờ là thành viên của IS. Bốn thành viên của quân đội Afghanistan cũ mà cư dân kia quen biết cũng đã gia nhập vào hệ thống chân rết của IS, nhóm ISIS-K, trong những tuần gần đây.

"Tại một số khu vực, nhiều cựu thành viên của lực lượng an ninh và phòng vệ Afghanistan đã muốn tham gia vào hàng ngũ IS, sau khi Mỹ rút quân đi và họ bị kẹt lại. Nếu có phong trào kháng chiến chống Taliban, họ có thể sẽ gia nhập. Nhưng hiện giờ, IS là nhóm vũ trang đối lập chính của Taliban", Rahmatullah Nabil, cựu lãnh đạo đơn vị tình báo Afghanistan, cho biết.

Hồi tháng 9, Taliban đã dập tắt phong trào kháng chiến ở thung lũng Panjshir. Các lãnh đạo phong trào vốn bắt đầu từ ngày Taliban lên nắm quyền hôm 15/8, hiện đã đào thoát ra nước ngoài.

Lo ngại kịch bản Iraq lặp lại

Mặc dù Taliban đã tuyên bố lệnh ân xá toàn quốc, nhưng hàng trăm nghìn cựu quan chức tình báo, quân nhân và cảnh sát chính quyền Afghanistan cũ hiện vẫn đang trong cảnh thất nghiệp và lo sợ mạng sống của họ sẽ bị đe dọa dưới sự lãnh đạo của Taliban. Chỉ một số ít người đã trở lại làm việc trong lực lượng an ninh dưới sự giám sát của Taliban.

"Chuyện đó giống như những gì xảy ra ở Iraq. Cần phải thật sự cẩn thận", một quan chức cấp cao của phương Tây cảnh báo.

Năm 2003, sau khi chính phủ của ông Saddam Hussein sụp đổ, lực lượng an ninh Iraq thời bấy giờ cũng đã tan rã. Với vũ khí có sẵn và nhiều năm kinh nghiệm chiến đấu, nhiều người đã trở thành thành viên của các nhóm khủng bố như al-Qaeda và các tổ chức tiền thân của IS.

Tại Afghanistan, ngoài lời hứa sẽ bảo vệ các cựu sĩ quan, điệp viên trước Taliban, IS còn hứa hẹn những khoản tiền lớn cho những người mới gia nhập hàng ngũ, theo các nguồn tin.

Trong phiên điều trần gần đây, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl cảnh báo chân rết của IS ở Afghanistan có thể tấn công phương Tây và đồng minh trong vòng 6-12 tháng nữa.

Dù IS và Taliban đều tuyên bố muốn áp luật Hồi giáo lên Afghanistan, nhưng ý thức hệ của 2 bên có sự khác biệt. Taliban muốn xây dựng nhà nước riêng trong phạm vi Afghanistan, trong khi IS muốn lập ra đế chế Hồi giáo quy mô toàn cầu và sẵn sàng có các hành vi cực đoan.

Sau khi Taliban lên nắm quyền và Mỹ rút quân, các chuyên gia cảnh báo IS đang gia tăng hiện diện ở Afghanistan. Họ đã thực hiện các vụ tấn công đẫm máu trong thời gian qua làm hàng trăm người chết và gây ra mối đe dọa tới quyền lực của Taliban.