1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vi phạm giãn cách, hàng nghìn người Ấn Độ đổ xô nhận "thuốc thần" Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hàng nghìn người Ấn Độ đã đổ xô tới xếp hàng tại một ngôi làng ở bang Andhra Pradesh để được phát một liều chế phẩm, được mô tả "thuốc thần" có thể trị Covid-19.

Vi phạm giãn cách, hàng nghìn người Ấn Độ đổ xô nhận "thuốc thần" Covid-19
Vi phạm giãn cách, hàng nghìn người Ấn Độ đổ xô nhận thuốc thần Covid-19 - 1

Hàng nghìn người tụ tập nhận "thuốc thần" (Ảnh: The Hindu).

Sputnik đưa tin, hàng nghìn người Ấn Độ hôm 21/5 đã vi phạm quy tắc về giãn cách xã hội khi đổ về làng Krishnapatnam ở bang Andhra Pradesh để nhận liều thuốc được mô tả là "thần kỳ" và có thể chữa được Covid-19. Loại thuốc này do một người hành nghề ưu dưỡng sinh (nền y học cổ truyền của Ấn Độ) có tên là B. Anandaiah điều chế ra.

Tuy ông Anandaiah tuyên bố loại thuốc này đạt được hiệu quả trong trị liệu Covid-19 nhưng đến giờ vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này.

Tin vào lời giới thiệu của Anandaiah, hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 từ bệnh viện Nellore đã rời phòng bệnh và nhanh chóng tới nhận thuốc miễn phí được điều chế bằng "kinh nghiệm" hành nghề của nhân vật trên. Đoạn video quay lại bên trong bệnh viện Nellore cho thấy, các giường bệnh trống trơn không còn người bên trong.

Ngay sau khi các liều thuốc được phát đi, Thủ hiến Andhra Pradesh, Y.S. Jagan Mohan Reddy, đã triệu hợp một cuộc họp cấp cao để điều tra về loại thuốc. Chính quyền bang sau đó quyết định gửi thuốc tới Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) để nghiên cứu chi tiết về hiệu quả của nó.

Phó Tổng thống Ấn Độ M. Venkaiah Naidu cũng yêu cầu điều tra và xem xét về loại thuốc này.

Có nhiều ý kiến trái chiều liên quan tới loại thuốc của ông Anandaiah điều chế. Một số ý kiến cho rằng việc pha chế thuốc không có kiểm định và phát thuốc rộng rãi là hành động vi phạm đạo luật về dược phẩm và thuốc của Ấn Độ.

"Vì sao một người không có đủ tiêu chuẩn hành nghề lại được phép phát thuốc chữa một căn bệnh như Covid-19? Không có cơ sở khoa học, không có các nghiên cứu - đó chỉ là giấc mơ mà thôi", một người dùng Twitter viết.