40 năm thống nhất đất nước:
Vị Đại sứ lên truyền hình Pháp bác chuyện "tắm máu" trả thù
"Ông Nguyễn Khánh xin gặp tôi trưa 30/4/1975 và hỏi: "Bây giờ các anh đã thắng rồi thì những người như tôi còn có ích gì nữa không?"
LTS: Trong hồi ký “Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris” của tác giả Võ Văn Sung, Đại sứ đầu tiên của VN Dân chủ cộng hòa tại Pháp, nguyên thành viên thường trực đoàn VN trong cuộc “đàm phán bí mật” Lê Đức Thọ - Kissinger 1971-1973 kể lại những kỷ niệm của ngày 30/4/1975 trên đất Pháp. Xin lược trích giới thiệu cùng bạn đọc:
Mặc dù cao điểm của mặt trận ngoại giao đã qua sau khi Hiệp định Paris được ký kết, địa bàn Paris đối với cuộc đấu tranh của ta vẫn có tầm quan trọng với những lợi thế khá lớn. Do vậy trước khi trở về Hà Nội, anh Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị sắp xếp lại tổ chức của ta ở Paris để phù hợp với giai đoạn mới.
Nhằm đảm bảo sự thống nhất hành động của các cơ quan đại diện của hai miền nước ta và đảm bảo tính nhạy bén kịp thời ứng phó với tình hình, lãnh đạo ta đã chỉ định một Ban Cán sự của Đảng gồm tôi là Bí thư, anh Phạm Văn Ba - Trưởng phái đoàn thường trực Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN và anh Nguyễn Tuấn Liêu - Tham tán Đại sứ quán VN Dân chủ cộng hòa.
Thời điểm từ 26/4 trở đi, Ban Cán sự bàn rồi triển khai mọi việc, chỉ có thể báo cáo một chiều về Hà Nội mà không đủ thời gian để chờ sự chỉ đạo, do đó chúng tôi phải dựa vào tin tức của Đài tiếng nói VN và các báo đài phương Tây mà nhận định.
Ngày 28/4, chúng tôi được tin ông Dương Văn Minh ra làm tổng thống và kêu gọi Chính phủ cách mạng lâm thời cùng ngừng bắn.
Nhưng thời điểm đó, các quân đoàn của ta đang tiến vào Sài Gòn, quân đội Sài Gòn tan rã từng mảng, quần chúng được phát động nổi dậy, không nói thì ai cũng đều thấy rằng sự lựa chọn duy nhất còn lại cho chính quyền mới ở Sài Gòn là đầu hàng không điều kiện.
Ác ý luận điệu “trả thù”
Đối với dư luận, có các vấn đề mới xuất hiện: một số báo và đài xấu bắt đầu đưa ra luận điệu "quân cộng sản" vào Sài Gòn sẽ có tắm máu, có trả thù. Luận điệu này cũng làm cho những người không chống đối ta lo lắng. Vì vậy Ban cán sự chúng tôi bàn là ta phải chủ động có hoạt động làm yên lòng dư luận.
Hai là phải nói chuyện với những nhân vật có tiếng tăm và ảnh hưởng trong chính giới và báo giới, kể cả trong những người VN thuộc lực lượng thứ ba, hoặc không thuộc tổ chức nào để họ giúp ta giải thích tranh thủ dư luận và đập lại những luận điệu xấu.
Ba là tranh thủ các cơ hội xuất hiện trên vô tuyến truyền hình và nói trên đài phát thanh để có tiếng nói của VNDCCH và Chính phủ Cách mạng lâm thời về vấn đề này.
Đối với các nhân sĩ người VN tại Pháp, từ ngày 29/4 đến 1/5 nhiều người đã xin gặp anh Phạm Văn Ba và tôi. Chúng tôi đều ra sức làm cho các vị yên lòng rằng luận điệu "tắm máu" hay "trả thù" là có ác ý.
Riêng ông Nguyễn Khánh, nguyên đại tướng quân đội và nguyên thủ tướng chính quyền Sài Gòn, từ năm 1973 vẫn hay lui tới Đại sứ quán VN DCCH và Phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời gặp tôi và anh Phạm Văn Ba và các lễ quốc khánh 2/9 đều đến dự, đã có câu chuyện cũng khá độc đáo.
Ông Nguyễn Khánh xin gặp tôi trưa 30/4/1975 và hỏi tôi trước: "Bây giờ các anh đã thắng rồi thì những người như tôi còn có ích gì nữa không?".
Tôi làm ra bộ giận và trả lời: "Sao anh lại nói "các anh" đã thắng? Đây là thắng lợi của toàn dân tộc VN từ Bắc chí Nam; chúng ta đã thắng. Nếu cần có tên một người VN nào đó thất bại thì tôi chỉ nói Nguyễn Văn Thiệu thôi.
Rồi đây việc đi đến thống nhất đất nước, việc hàn gắn vết thương chiến tranh, việc xây dựng nước VN giàu mạnh v.v... còn bao nhiêu việc cần sự đóng góp của mỗi người con dân VN".
Ông Nguyễn Khánh nói: "Tôi rất cảm động nghe những lời của anh, rồi đây nếu anh thấy có việc gì tôi có thể góp phần thì tôi sẵn sàng".
Bắc Nam sum họp - điều bất biến
Từ ngày 1/5 trở đi có mấy nhà báo xin gặp tôi để hỏi về tình hình VN. Tôi đã nhân các dịp ấy nói về vấn đề "tắm máu", "trả thù". Tôi vận động một nhà báo của kênh truyền hình Pháp TF1 phỏng vấn tôi trực tiếp về vấn đề này. Tôi nhớ độ khoảng 10 ngày sau thì họ mời tôi đến dự chương trình truyền hình buổi trưa.
Tôi đã phát biểu đại ý: "Ở VN có đặc điểm là kháng chiến chống xâm lược nước ngoài kéo dài quá lâu, riêng ở miền Nam liên miên gần 30 năm và ước tính có đến 90% gia đình VN ở miền Nam có người cả hai bên; mặt khác chiến tranh lâu năm cả nước và mỗi gia đình VN đều chịu nhiều mất mát đau thương, do đó không có cách nào khác là phải tha thứ cho nhau để xây dựng lại, vì nếu làm ngược lại thì 90% gia đình VN phải tiếp tục đau khổ".
Tôi đã mượn một câu của nhà chính trị nổi tiếng thời Cách mạng Pháp là Talleyrand để kết luận rằng nếu trừng trị thì "điều đó còn tệ hơn tội ác, đó là một lỗi lầm" (C'est pire qu'un crime, c'est une faute). Nhà báo Pháp phỏng vấn tôi sau chương trình có nói: "Bây giờ tôi mới hiểu. Điều ông Đại sứ vừa nói là có sức thuyết phục".
Mấy tuần tiếp theo, tin tức từ trong nước do các nhà báo phương Tây đưa về cũng có tin tức về các hoạt động mừng giải phóng và có nhiều phóng viên đưa tin là không có hiện tượng gì về "tắm máu" hay "trả thù" và vấn đề này càng lắng đi.
Nhiều bạn bè của ta và một số nhân vật VN ở Pháp đã gọi điện hoặc trực tiếp nói với tôi là họ rất tán thành những điều tôi nói và họ tin những điều như vậy. Một số báo chí xấu với ta đã chuyển dần từ chỗ mô tả "quân cộng sản" dữ tợn, tàn bạo mà họ tưởng tượng ra, thành những người "lính Bắc Việt mặc quân phục xanh lá cây, quê mùa và thật thà" trong thành phố Sài Gòn hoa lệ!
Tuyệt đại đa số trong cộng đồng Việt kiều có một mẫu số chung: đó là mong hoà bình, mong xây dựng lại đất nước, mong Nam Bắc tiến đến có quan hệ bình thường và từng bước thống nhất đất nước. Trên nền của mẫu số chung nói trên đây, thì tâm tư của nhiều bà con, nhất là những người mới sang Pháp từ sau Hiệp định Geneva có những mặt rất đa dạng; trong những người tham gia lực lượng thứ ba và chống Thiệu cũng có người chân thành tham gia để góp phần cho một giải pháp chính trị theo lộ trình của Hiệp định Paris, vì lợi ích của Tổ quốc và đồng bào, đồng thời cũng có người có những tham vọng cá nhân nên cũng không muốn cho phía lực lượng Cách mạng toàn thắng về quân sự v.v...
Tình hình đó đặt ra cho Ban Cán sự chúng tôi và cho các anh em lãnh đạo nhóm Việt ngữ cách xử sự cho phù hợp, phải dựa vào mẫu số chung nói trên, đồng thời phải thấy những khía cạnh khác nhau trong tâm tư để tạo ra sự đoàn kết rộng rãi nhất.
Mặt khác, Cách mạng chuyển giai đoạn, ta không thể vì những cái khác nhau mà làm phai lạt một điều "bất biến" là "Bắc Nam sum họp", Tổ quốc VN phải thống nhất.