1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vết nứt khó liền

Lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi giành được độc lập, Ukraina cho công bố một học thuyết quân sự mới trong đó coi Nga là “đối thủ quân sự” và thể hiện quyết tâm gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)...

Động thái này được dự đoán sẽ gây thêm sóng gió cho quan hệ vốn đang lao dốc không phanh giữa Mátxcơva và Kiev...

Cơ quan báo chí Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraina cho biết, trong cuộc họp ngày 2-9, học thuyết quân sự mới của nước này đã được Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng thông qua, trong đó xác định Nga là "đối thủ quân sự", đồng thời nhấn mạnh tới việc phải “giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”.

Học thuyết quân sự mới của Ukraina cho rằng, mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia trong lĩnh vực quân sự là khả năng sử dụng vũ lực trên quy mô lớn chống Kiev, đồng thời khẳng định việc từ bỏ chính sách không liên kết và tuyên bố khôi phục chiến lược gia nhập NATO.

Học thuyết mới xác định các dấu hiệu xuất hiện cuộc xung đột vũ trang ở Ukraina, kể cả sự xúi giục của nước ngoài; tính tới việc gia tăng vai trò của các hoạt động thông tin-tâm lý; định hình các biện pháp chuẩn bị để bảo vệ đất nước, nhằm khôi phục chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ cũng như các vấn đề phát triển tiềm năng quốc phòng và an ninh Ukraina như những điều kiện tiên quyết để đẩy lùi sự xâm lược vũ trang và các hành động tương tự.

Vết nứt khó liền - 1

Cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraina tại Kiev.

Tuyên bố sau khi Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng thông qua Học thuyết quân sự mới, Tổng thống Ukraina, Petro Poroshenko nhấn mạnh, học thuyết quân sự không chỉ đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, mà còn là nền tảng giúp Ukraina hướng tới mục tiêu trở thành một thành viên chính thức của NATO.

Dự thảo học thuyết quân sự của Ukraina lần đầu tiên xác định rõ kẻ thù là Nga hiện đang chờ được Tổng thống Poroshenko thông qua, trang Defensenews dẫn tuyên bố của Thủ tướng Ukraina, A.Yatsenyuk.

Quan hệ căng thẳng giữa Mátxcơva và Kiev lên tới đỉnh điểm do Nga sáp nhập bán đảo Cremea hồi tháng 3-2014. Từ đó đến nay, mối quan hệ này vẫn đang theo chiều hướng “lao dốc”. Không chỉ dừng lại ở những biện pháp trả đũa gần đây như trục xuất các nhà ngoại giao Nga, Kiev còn đang dần thể hiện sự “đoạn tuyệt” với Nga trên nhiều phương diện.

Mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Ukraina, Volodymyr Demchyshyn thông báo, Ukraina có thể mua 80% nhu cầu khí đốt từ các nước EU. Điều này mở ra khả năng Kiev gần như chấm dứt sự phụ thuộc vào công ty năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom.

Ngoài khí đốt, Chính phủ Ukraina tuần qua cũng đã hủy bỏ một thỏa thuận vốn đã kéo dài 22 năm với Nga về hợp tác sản xuất và khoa học kỹ thuật giữa các doanh nghiệp quốc phòng song phương.

Việc hủy bỏ thỏa thuận này được cho là bước đi cuối cùng, cắt đứt quan hệ hợp tác trên lĩnh vực quân sự giữa Ukraina và Nga. Động thái này vốn được nhen nhóm từ tháng 5 năm nay khi Thủ tướng Ukraina, Yatsenyuk thông báo về khả năng Kiev quyết định hủy bỏ thỏa thuận hợp tác kỹ thuật-quân sự trên với Nga.

Nguyên nhân của việc hủy thỏa thuận này được ông Yatsenyuk lý giải là do Nga sáp nhập bán đảo Crimea, cùng những động thái can thiệp vào cuộc khủng hoảng miền Đông, làm cho Ukraina mất đi sự toàn vẹn lãnh thổ.

Nhận định về mối quan hệ giữa Nga và Ukraina, chuyên gia chính trị thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Moscow tại Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO) Andrey Sushentsov cho rằng, theo Chiến lược an ninh quốc gia mới nhất của Ukraina, Nga được coi là một mối đe dọa lâu dài đối với an ninh của nước này.

Ngược lại, Ukraina được mô tả như là một tiền đồn của phương Tây nhằm chống lại ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xô viết. Vấn đề này sẽ chi phối lâu dài về các kế hoạch quân sự của Ukraina và khiến cho Nga không có khả năng để làm lành mối quan hệ đối tác với Ukraina.

Chuyên gia này cũng cho rằng, một trong những thách thức quan trọng đối với Nga và Ukraina là phải giảm sự phụ thuộc lẫn nhau, vốn được hình thành và rất sâu sắc trong thời kỳ Xô viết, để đạt được một sự cân bằng mới.

Do có sự phụ thuộc lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, tài chính, thương mại, công nghiệp và thị trường lao động, nên mối quan hệ giữa Nga và Ukraina "không thể bị hòa tan một cách nhanh chóng" và quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian.

Vì vậy, chuyên gia này bày tỏ sự lo ngại khi Ukraina đang quá gấp rút “gạt” Nga để tiến tới các nước phương Tây trong khi Kiev vẫn còn đang đứng trước khả năng đổ vỡ nền kinh tế và ngày càng chìm sâu vào bất ổn chính trị.

Đặc biệt, việc chấm dứt hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga càng khiến triển vọng phục hồi và phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng nước này trở nên mờ mịt.

Đúng như lời chuyên gia Olexy Melnik đã từng nhận định trên tờ Christian Science Monitor: “Ukraina đang đi vào bước đường cùng, khó có thể hàn gắn rạn nứt với Nga, nếu không muốn nói tới khả năng xấu hơn là dấn thân đến bên bờ vực một cuộc chiến với người láng giềng”.

Theo Hà Châu

Quân đội Nhân dân

Vết nứt khó liền - 2