1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vấn đề gai góc nhất của thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội

(Dân trí) - Sau thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên gây tiếng vang nhưng không tạo ra các bước đi thực chất hồi năm ngoái, cuộc gặp Trump - Kim tại Hà Nội lần này được chờ đợi sẽ chú trọng vào các vấn đề gai góc nhất trong mối quan hệ nhiều sóng gió giữa hai nước.

Trump Kim.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore tháng 6/2018 (Ảnh: AP)

 

Khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu gặp nhau tại Singapore, có những nghi thức long trọng và sự phô trương, nhưng không thực chất.

Trước khi họ gặp lại nhau tại Việt Nam vào ngày 27-28/2 tới, họ đối mặt với các áp lực ngày càng gia tăng nhằm thúc đẩy một thỏa thuận để tiến gần hơn tới việc chấm dứt mối đe dọa vũ khí hạt nhân Triều Tiên.

Nhưng thỏa thuận đó sẽ như thế nào? Về phía Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un có thể sẵn sàng giải trừ kho vũ khí hạt nhân chủ chốt. Về phía Mỹ, ông Trump có thể sẵn sàng có những nhượng bộ, có thể dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, câu hỏi là liệu đề xuất của bên này có làm hài lòng bên kia hay không.

Hãy chờ đợi xem các bên nhượng bộ thế nào và đạt được kết quả gì khi ông Trump và ông Kim nỗ lực giải quyết một vấn đề vốn đã khiến nhiều thế hệ các nhà hoạch định chính sách đau đầu.

Phá hủy khu phức hợp hạt nhân rộng lớn?

Theo AP, khu phức hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên (đôi khi được gọi là Nyongbyon), tọa lạc cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 100km, có các cơ sở có thể chế tạo cả cả plutonium và uranium, 2 thành phần quan trọng của vũ khí hạt nhân. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã gọi tổ hợp này được cho là bao gồm 390 tòa nhà này là “trung tâm của chương trình hạt nhân của chúng tôi”.

Số phận của khu phức hợp hạt nhân Yongbyon được xem là một trong những vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán của thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này.

Sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói với các phóng viên rằng ông Kim đã cam kết dỡ bỏ tổ hợp nếu Mỹ có các biện pháp tương xứng. Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun gần đây nói rằng ông Kim cũng cam kết dỡ bỏ và phá hủy các cơ sở làm giàu plutonium và uranium khi nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 10/2018.

Kể từ khi các nỗ lực ngoại giao mới bắt đầu hồi năm ngoái, Triều Tiên đã ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân và dỡ bỏ cơ sở thử nghiệm hạt nhân và các khu vực của cơ sở phóng tên lửa tầm xa. Nhưng việc phát hủy cơ sở Yonbgyon có thể là bước đi giải trừ quân bị lớn nhất của ông Kim Jong-un cho tới nay và có thể cho thấy cam kết của ông nhằm bước về phía trước trong các cuộc đàm phán với ông Trump.

Tuy nhiên, có những lo ngại rằng việc phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon không giúp xóa bỏ những ngờ vực về các cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Triều Tiên có thể vẫn có một kho vũ khí ước tính lên tới 70 vũ khí hạt nhân và hơn 1.000 tên lửa đạn đạo. Triều Tiên cũng được tin là đang vận hành nhiều cơ sở làm giàu uranium bí mật.

“Chúng tôi gọi việc phá hủy Yongbyon là một nửa thỏa thuận hay một thỏa thuận nhỏ”, giáo sư Nam Sung-wook tại Đại học Hàn Quốc, nhận định. “Đó thực sự là một bước phi hạt nhân hóa chưa đầy đủ”, vốn phù hợp với các chiến thuật trước đây của Bình Nhưỡng nhằm làm chậm các bước giải trừ hạt nhân để Triều Tiên có thể giành được hàng loạt nhượng bộ.

"Phần thưởng" của Mỹ

Để Triều Tiên cam kết phá bỏ khu phức hợp Yongbyon, một số chuyên gia nói rằng ông Trump cần có những nhượng bộ quan trọng như tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, mở một văn phòng liên lạc tại Bình Nhưỡng, cho phép Triều Tiên tái khởi động một số dự án kinh tế với Hàn Quốc và có thể dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt.

Ông Kim Jong-un có thể muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Triều Tiên và tăng cường sự lãnh đạo cha truyền con nối của gia tộc họ Kim.

“Đối với Triều Tiên, từ bỏ tổ hợp Yongbyon là một lá bài đàm phán khá lớn vì thế Bình Nhưỡng nhiều khả năng muốn giành được một số lợi ích kinh tế”, Chon Hyun-joon, Chủ tịch Viện nghiên cứu hợp tác hòa bình Đông Bắc Á tại Hàn Quốc, nhận định.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore năm ngoái, ông Trump và ông Kim đã nhất trí thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước và xây dựng nền hòa bình vĩnh cửu trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng họ không nói rõ làm thế nào để cụ thể hóa các mục tiêu này.

Triều Tiên kể từ đó đã phàn nàn về sự thiếu hành động của Mỹ, cho rằng nước này đã tiến hành các bước đi giải trừ và phóng thích những người bị bắt giữ và bàn giao hài cốt của các binh lính Mỹ tử trận trọng chiến tranh Triều Tiên. Về phần mình, Mỹ đã ngừng một số các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc mà Bình Nhưỡng gọi là diễn tập cho chiến tranh.

Ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in đã nhất trí tại thượng đỉnh lần đầu tiên hồi năm ngoái nhằm đi tới một tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Hồi tháng trước, ông Moon cho biết nước này có thể giảm bớt sự thù địch giữa Washington và Bình Nhưỡng và đẩy nhanh việc giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Nhưng một số người lo ngại rằng một tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, vốn được kết thúc bởi một lệnh ngừng bắn và chưa được thay thế bằng một hiệp ước hòa bình, có thể giúp Triều Tiên có thêm cơ sở để kêu gọi Mỹ rút 28.500 binh sĩ đang đồn trú tại Hàn Quốc.

Một bước đột phá?

Để hội nghị thượng đỉnh tại việt Nam trở thành một bước đột phá, ông Trump nhiều khả năng sẽ mong muốn nhiều hơn Bình Nhưỡng.

Một thỏa thuận lớn có thể bao gồm việc liệt kê chi tiết các tài sản hạt nhân của Bình Nhưỡng và khả năng chuyển một số vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa của Triều Tiên ra nước ngoài để vô hiệu hóa.

Điều đó có thể rất tốn kém. Triều Tiên được cho là sẽ yêu cầu dỡ bỏ đáng kể các lệnh trừng phạt và nối lại việc xuất khẩu than và các tài nguyên khoáng sản khác.

Một tuyên bố của Triều Tiên về chương trình hạt nhân có thể cung cấp thông tin vô giá cho Washington và các bên khác, nếu được tình báo Mỹ kiểm chứng. Nó có thể hé lộ về các cơ sở nhiên liệu hạt nhân bí mật và việc phát triển tên lửa, và đó là lý do tại sao Bình Nhưỡng miễn cưỡng cung cấp chúng.

Theo các đánh giá của Hàn Quốc và các bên khác, chỉ riêng tổ hợp Yongbyon ước tính đã có khoảng 50 kg plutonium được vũ khí hóa, đủ cho từ 6-10 quả bom hạt nhân, và từ 250-500 kg uranium làm giàu cao, đủ cho từ 25-30 thiết bị hạt nhân.

Các cơ sở làm giàu uranium chưa được tiết lộ có thể làm gia tăng kho vũ khí đó.

Do khó khăn, ông Trump có thể muốn chú trọng tới các tên lửa tầm xa của Triều Tiên, mà khi hoàn thiện có thể gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với đất liền nước Mỹ. Nhưng một thỏa thuận một phần như vậy có thể khiến nhiều người tại Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại, vì các nước này đều trong tầm tấn công của tên lửa cả tầm ngắn lẫn tầm trung của Bình Nhưỡng.

Giáo sư Lim Eul Chul tại Đại học Kyungnam tại Hàn Quốc, người cố vấn cho chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in về các vấn đề liên quan tới Triều Tiên, cho rằng nếu các quan chức cấp thấp hơn giữa Mỹ và Triều Tiên không thể đặt nền móng cho một thỏa thuận lớn hơn trước thượng đỉnh lần 2 thì chưa thể chắc chắn về cuộc gặp Trump - Kim.

An Bình
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm