Phó Thủ tướng Malaysia:
Vấn đề Biển Đông vừa là kinh tế, vừa là chủ quyền
Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi vừa tuyên bố nước này sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.
Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi
“Nếu đất nước chúng ta (Malaysia) đang bị đe dọa hoặc bị lấn chiếm, người Malaysia chúng ta sẽ đứng lên bảo vệ đất nước của mình” – Phó Thủ tướng Malaysia phát biểu tại Kota Kinabalu, thủ phủ bang Sabah, nằm trên đảo Borneo của Malaysia.
Theo ông Ahmad Zahid, cộng đồng quốc tế cần phải nhìn thấy điều này (vấn đề Biển Đông) không chỉ là vấn đề của kinh tế mà là vấn đề chủ quyền.
"Biển South China Sea (biển Nam Trung Hoa - tên quốc tế của Biển Đông - PV) chỉ là một cái tên, nhưng 200 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế là thuộc biên giới của chúng tôi”, Phó Thủ tướng Malaysia khẳng định.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các hành vi củng cố yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này dự kiến sẽ làm “nóng” chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á – sự kiện mà lãnh đạo Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình cùng nhiều nguyên thủ quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Nhật… sẽ tham dự tại Kualar Lumpur, Malaysia vào cuối tháng này.
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các nước láng giềng khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia… dựa trên cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”). Từ năm 2012 đến nay, Bắc Kinh từ chỗ âm thầm đã trở nên công khai ráo riết bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, gây quan ngại sâu sắc cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.
Sau nhiều tuyên bố cảnh báo, Mỹ gần đây đã thách thức yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc với các thực thể bị Bắc Kinh đảo hóa phi pháp ở Trường Sa qua việc thực hiện cái gọi là “tuần tra nhằm thực thi quyền tự do hàng hải”.
Các nước trong khu vực cũng phản ứng ngày càng gay gắt hơn với yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc với Biển Đông. Philippines đã đưa Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan), còn Indonesia thì cũng đã lên tiếng cho biết có thể sẽ phải đưa Trung Quốc ra một tòa án quốc tế nếu vấn đề yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh với một phần vùng biển, đảo của nước này không được giải quyết bằng đối thoại.
Tuy Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng vừa qua tại Malaysia đã thất bại khi không đưa ra được Tuyên bố chung do bất đồng về vấn đề Biển Đông, nhưng giới quan sát tin tưởng rằng, tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tổ chức tại Philippines và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tổ chức tại Kuala Lumpur sắp tới, vấn đề Biển Đông và các hành vi gây quan ngại của Trung Quốc trong thời gian qua sẽ được nêu bật lên một cách thích đáng.
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, bà Susan Rice, vấn đề Biển Đông sẽ được Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa tại tại các sự kiện này, cũng như ở các cuộc họp bên lề và “đây sẽ là đề tài trung tâm trong các cuộc thảo luận”.
Theo Linh Phương
PetroTimes