1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vai trò đặc biệt của Boeing trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

(Dân trí) - Boeing, một trong những “ông lớn” trong ngành chế tạo và sản xuất máy bay trên thế giới, đang đóng vai trò người hòa giải trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

(Ảnh minh họa: Boeing)
(Ảnh minh họa: Boeing)

Theo SCMP, ông Randy Tinseth, phó chủ tịch phụ trách marketing của Boeing, cho biết tập đoàn máy bay này đang đóng vai trò người hòa giải trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Họ đang thuyết phục cả Bắc Kinh và Washington về lợi ích chung mà 2 quốc gia có thể tận hưởng từ thương mại tự do.

Trong mội hội nghị thượng đỉnh về hàng không diễn ra ở Hàn Quốc hồi tuần trước, ông Tinseth nói rằng Boeing đang cố gắng tác động tới cả 2 phía. Đây được coi là mục tiêu quan trọng với Boeing khi trong 20 năm tới, họ kỳ vọng có thể hợp tác với các đối tác Trung Quốc trong các thương vụ có tổng giá trị lên tới 1.000 tỷ USD.

“Chúng tôi là công ty xuất khẩu lớn nhất Mỹ. 80% những gì chúng tôi sản xuất ra, chúng tôi đưa ra ngoài Mỹ. Vì vậy, việc đảm bảo nền thương mại công bằng, mở cửa và tự do rất quan trọng với chúng tôi. Thẳng thắn mà nói, chúng tôi có nhiều đối tác ở Trung Quốc. Một số máy bay chúng tôi chế tạo có bộ phận sản xuất hoặc lắp ráp ở Trung Quốc, vì vậy chúng tôi muốn nhấn mạnh mối quan hệ này”, ông Tinseth nói.

Mặc cho bầu không khí căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, Boeing vẫn tiếp tục duy trì quan hệ với các đối tác Trung Quốc thông qua bán hoặc cho thuê máy bay cho các hãng hàng không đại lục.

Một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài chắc chắn sẽ không mang lại lợi ích cho Boeing khi họ đang đầu tư một dây chuyền sản xuất máy bay ở Trung Quốc.

Đầu năm tới, Boeing dự kiến sẽ mở cửa nhà máy ở Chu San, tỉnh Chiết Giang nhằm chế tạo, lắp ráp máy bay phục vụ cho khách hàng ở Trung Quốc. Boeing hiện đang hợp tác với Tổng công ty máy bay thương mại Trung Quốc (Comac), một tập đoàn quốc doanh, trong dự án lần này.

Dù căng thẳng đang leo thang, Boeing thể hiện lập trường kiên quyết duy trì dự án này vì mục tiêu đôi bên cùng có lợi với lập trường rằng đây là dự án vì mục đích kinh doanh.

Theo SCMP, Boeing đã bắt đầu nhận ra mối đe dọa khi Xiamen Airlines, khách hàng độc quyền của Boeing trong 30 năm qua, được cho là đang bàn bạc với đối tác Airbus về một đơn đặt hàng máy bay. Hiện thời, đội bay của Xiamen Airlines có tới 170 chiếc máy bay Boeing.

Trong 20 năm tới, Boeing kỳ vọng có thể bán thêm vài ngàn máy bay tới Trung Quốc. Vì vậy, trước một thị trường còn nhiều tiềm năng, họ hoàn toàn hiểu được rủi ro khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa hạ nhiệt. Ông Tinseth khẳng định họ sẽ nỗ lực hết sức để làm trung gian hòa giải giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đức Hoàng

Theo SCMP