1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vạch “lằn ranh đỏ” trên Biển Đông

Những tuyên bố và chỉ trích mạnh mẽ của Mỹ và các quốc gia đồng minh đang truyền đi thông điệp mạnh mẽ rằng Washington đã quyết tâm vạch ra một “lằn ranh đỏ” trên Biển Đông, để ngăn chặn những hành động hung hăng của Trung Quốc.

Đó là nhận định của GS Hugh White (Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược của Australia).

Đừng xây dựng trật tự châu Á trên Biển Đông

Tờ TheAge ngày 9.6 dẫn bài phân tích của Giáo sư Hugh White nhận định, Mỹ đã hoạch định chính sách từ lâu và tin rằng, những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông hiện nay là “cơ hội tuyệt vời” để Washington thể hiện vai trò người bảo vệ trật tự và luật pháp quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này, được thể hiện rõ nét nhất trong chuyến tham dự Đối thoại Shangri - La 14 tại Singapore của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hồi cuối tháng 5. Ở đó, ông Carter đã nghiêm khắc chỉ trích Bắc Kinh và tuyên bố Mỹ phản đối bất kỳ hành động khai hoang, bồi đắp và quân sự hóa các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.

Vạch “lằn ranh đỏ” trên Biển Đông
Đồ họa phác thảo các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo do Trung Quốc tiến hành trên Biển Đông. (Ảnh: The Age)

Và trên thực tế, trước sự ngày càng ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông, hầu hết các nước ở châu Á đã không ủng hộ Bắc Kinh. “Không ai muốn phải sống dưới cái bóng của Trung Quốc, vì vậy các nước muốn nhìn thấy một số giới hạn để thiết lập quyền lực trong khu vực. Họ tin rằng, Mỹ có thể sẽ phải đóng vai trò quan trọng hơn. Theo giáo sư Hugh White, nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng việc phải đối mặt với Trung Quốc ở Biển Đông là cách tốt nhất để Mỹ thể hiện được vị trí quan trọng của mình ở khu vực này?

Câu trả lời của Chính phủ Mỹ cho câu hỏi này rất đơn giản rằng, Trung Quốc phải tiếp tục chấp nhận tính ưu việt và chiến lược quân sự của Mỹ như đã từng trong lịch sử. Bộ trưởng Carter đã thể hiện tính chất này rõ ràng khi ông đặt ra mục tiêu chiến lược cơ bản của nước Mỹ khi ông đến châu Á hồi cuối tháng 5 rằng: “Chúng tôi vẫn sẽ là sức mạnh an ninh chính ở châu Á trong thập kỷ tới”.

Tất nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ ý định của Mỹ. Trung Quốc tìm kiếm một trật tự mới ở châu Á, trong đó ít nhất là chia sẻ vai trò lãnh đạo hàng đầu với Mỹ, hoặc thế chỗ Mỹ hoàn toàn. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc cho rằng Biển Đông “thuộc chủ quyền lãnh thổ” của Bắc Kinh, còn Mỹ chỉ là “người ngoài” và “không nên can thiệp vào công việc nội bộ” của Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc vẫn tin rằng, dù họ có những khó khăn chưa giải quyết được với chính quyền Tổng thống Obama, nhưng Mỹ sẽ không mạo hiểm để thực hiện một cuộc đối đầu quân sự với Bắc Kinh trên Biển Đông.

Tuy nhiên, GS Hugh White nhận định rằng, nếu Washington quyết định về hành động thực tế để kiềm chế Bắc Kinh xây dựng đảo trên Biển Đông, nhiều khả năng khủng hoảng sẽ leo thang và xung đột vũ trang trên Biển Đông khó tránh khỏi. “Đây là một mối nguy hiểm thực sự, bởi vì khi nói đến tình huống xung đột, cả hai bên sẽ sớm thấy mình ở một vị trí không thể. Với mỗi nấc thang căng thẳng, tình hình càng trở nên nguy hiểm hơn và cánh cửa hòa bình càng khép lại hơn với cả hai bên” - GS Hugh White nhấn mạnh.

Thế giới phản đối Trung Quốc

Dù Mỹ quyết vạch “lằn ranh đỏ” trên Biển Đông, nhưng giới chuyên gia cho rằng, cả Mỹ và Trung Quốc không nên xem Biển Đông là nơi để bắt đầu xây dựng một trật tự mới ổn định ở châu Á.    

Có thể thấy, từ Á sang Âu, căng thẳng trên Biển Đông là nội dung được chú trọng thảo luận tại nhiều hội nghị lớn trong thời gian gần đây.
 
Ngày 8.6, trong phiên bế mạc Hội nghị nhóm các quốc gia công nghiệp G7, một tuyên bố được đưa ra trong đó nêu rõ sự phản đối đối với hoạt động cải tạo đảo trên Biển Đông.
 
Tuyên bố của G7 nêu rõ: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình cũng như việc sử dụng các đại dương thế giới một cách tự do, hợp pháp và không bị cản trở. Các lãnh đạo G7 khẳng định: “Chúng tôi cực lực phản đối hành vi hăm dọa, cưỡng ép, và sử dụng vũ lực cũng như các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, như là cải tạo đất trên quy mô lớn”. Thông cáo không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng cách diễn đạt ám chỉ rõ ràng tới hoạt động của Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Cũng tại hội nghị G7, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chỉ trích các hành động gây hấn của Bắc Kinh làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Abe cho rằng các nhà lãnh đạo G-7 “không thể để yên cho những hành vi đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.

Một ngày sau khi G7 ra tuyên bố chung, Hãng tin Tân Hoa xã ngày 9.6 đã có bài bình luận nói rằng, không có quốc gia nào trong nhóm G7 có liên quan trực tiếp tới tranh chấp trên Biển Đông và cho rằng “Sự can thiệp vô lý vào các tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và một số nước châu Á sẽ không chỉ làm hại quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc mà còn đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Cuộc Đối thoại ba bên Ấn Độ-Nhật Bản-Australia lần đầu tiên tại New Delhi ngày 8.6, cũng đã thảo luận về an ninh khu vực, trong đó có quan ngại về tình hình Biển Đông. Cuộc đối thoại không chỉ thảo luận về những mối quan ngại trước những hành động xây dựng, cải tạo hiện trạng của Biển Đông mà còn hy vọng một "Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông" (COC) sẽ được Trung Quốc và các nước ASEAN nhất trí để giảm căng thẳng trong khu vực.
 
Theo Đức Hoàng
Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm