1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ấn Độ-Nhật-Úc khởi động đối thoại 3 bên đầu tiên

(Dân trí) - Mối quan ngại trước các hoạt động xây đảo của Trung Quốc trên Biển Đông cùng các vấn đề hợp tác an ninh, quân sự, như tập trận chung được cho là các nội dung trong chính trong cuộc gặp cấp cao 3 bên đầu tiên của Ấn Độ, Nhật Bản và Úc.

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki tham dự cuộc đối thoại ngày 8/6. (Ảnh:
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki tham dự cuộc đối thoại ngày 8/6. (Ảnh: AFP)

Ấn - Nhật - Úc ngày 8/6 đã tổ chức cuộc đối thoại ba bên lần đầu tiên tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, với sự tham dự của Bí thư đối ngoại Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki và Vụ trưởng Vụ Đối ngoại và Thương mại Úc Peter Varghese.

Trong cuộc đối thoại, đại diện 3 nước đã tập trung thảo luận về môi trường an ninh, kinh tế trong khu vực, cũng như tình hình căng thẳng ở Biển Đông hiện nay. Trong chương trình nghị sự, các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông và triển khai quân sự tại đây của Trung Quốc được cho là một vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của New Delhi, Tokyo và Canberra.

Hợp tác an ninh, chủ yếu trong lĩnh vực hải quân, được dự báo là chủ đề chính của đối thoại. Một nguồn tin quan chức Hải quân Ấn Độ cho biết đại diện 3 nước cho rằng nên tổ chức các cuộc tập trận chung. 

Trước đây, New Delhi đã thể hiện ý định rõ ràng về việc tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung với Nhật Bản và Úc. Giới phân tích đánh giá hiện nay là thời điểm tốt để triển khai hoạt động này.

Tờ ET của Ấn Độ cho biết, dưới thời chính phủ Liên minh Tiến bộ thống nhất (UPA), Mỹ đã đề xuất tổ chức một cuộc đối thoại bốn bên với Ấn Độ, Nhật Bản, Úc vào năm 2007 khi các nước này tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar tại Vịnh Bengal. Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối mạnh của Trung Quốc, cuộc đối thoại này đã bị trì hoãn.

Sau khi lên cầm quyền, chính phủ Liên minh dân chủ quốc gia (NDA) do BJP đứng đầu đã nhấn mạnh Ấn Độ không chỉ tiến hành các cuộc tập trận Malabar đa phương, mà còn tổ chức các cuộc thảo luận chung và đàm phán ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao.

Giới phân tích đánh giá, động thái mới của chính phủ Ấn Độ chứng tỏ rằng nước này đang có một cách tiếp cận mới, quyết liệt hơn với Trung Quốc. 

Dù Mỹ không tham gia vào cuộc đối thoại 3 bên lần này, Washington vẫn là đồng minh an ninh chủ chốt của Nhật và Úc. Mỹ đang gia tăng vai trò an ninh của mình thông qua chính sách “xoay trục” về châu Á-Thái Bình Dương, thông qua nhiều hoạt động triển khai quân sự và tập trận, cũng như hỗ trợ an ninh cho các nước trong khu vực.
 
Thoa Phạm 
Theo ET