1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vaccine và miễn dịch tự nhiên giúp Nam Phi "đánh chặn" Omicron

Thanh Thành

(Dân trí) - Bộ trưởng Y tế Nam Phi cho biết, vaccine và mức độ miễn dịch tự nhiên cao từ các làn sóng dịch trước đây dường như đang bảo vệ người dân khỏi các triệu chứng nghiêm trọng trước biến chủng Omicron.

Vaccine và miễn dịch tự nhiên giúp Nam Phi đánh chặn Omicron - 1

Mọi người chờ tiêm vaccine ở Cape Town, Nam Phi (Ảnh: AP).

Theo Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla, có những dấu hiệu cho thấy làn sóng Omicron đã đạt đỉnh ở Gauteng, nơi số ca bệnh tăng nhanh nhất khi biến chủng này xuất hiện. Nhưng số liệu mới nhất từ NICD cho thấy tỉnh Gauteng vẫn chiếm hầu hết các ca mới trên cả nước tính đến ngày 16/12, ở mức 27%, tiếp theo là KwaZulu-Natal với 23% và Western Cape với 19%.

Nhắc lại những phát hiện của chuyên gia vaccine Shabir Mahdi tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg, Bộ trưởng Phaahla nói trong một cuộc họp báo: "Chúng tôi tin rằng điều này không có nghĩa là biến chủng Omicron ít độc lực hơn, mà là do mức độ bao phủ của vaccine và khả năng miễn dịch tự nhiên của những người từng nhiễm bệnh. Chính những điều này đã giúp đã ngăn bệnh chuyển biến nặng hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy số ca nhiễm nhẹ hơn".

Tuyên bố của Bộ trưởng Y tế Nam Phi đưa ra giữa lúc nhóm các nước G7 gọi Omicron là "mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu" , nói rằng, điều quan trọng hơn bao giờ hết lúc này là "các nước phải hợp tác chặt chẽ".

Hồi đầu tuần này, các chuyên gia y tế nước này cũng cho rằng, việc từng nhiễm biến chủng khác của virus SARS-CoV-2 hoặc đã tiêm vaccine, có thể cung cấp kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ bị nặng khi nhiễm chủng Omicron. Một số báo cáo, bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ y tế công và tư, cũng ủng hộ nhận định này, cho biết con số nhập viện trong làn sóng hiện nay thấp hơn.

Mặc dù số ca nhập viện và tử vong ở Nam Phi gia tăng trong những ngày gần đây do chủng Omicron tấn công cùng với số ca nhiễm Delta cũng lan nhanh, các quan chức y tế cho biết, con số này vẫn ở mức thấp hơn so với các đợt dịch trước.

Chuyên gia Michelle Groome thuộc Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm (NICD) cho biết: "Chúng tôi bắt đầu nhận thấy số ca tử vong trên khắp cả nước tăng nhẹ, nhưng tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn khoảng giữa đợt dịch lần hai và lần ba". "Số người cần oxy cũng thấp hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây. Bệnh nhân cũng xuất viện sớm hơn nhiều", bà nói thêm.

Mặc dù có bằng chứng rõ ràng Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn và có nhiều khả năng né các kháng thể trung hòa do vaccine hay đã từng nhiễm bệnh, nhưng vẫn còn câu hỏi về các bộ phận khác của hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể giảm thiểu nguy cơ nhiễm nặng hơn hay không.

Theo một số chuyên gia, mặc dù Omicron có thể dễ dàng né các kháng thể trung hòa quan trọng bám vào protein đột biến của virus, nhưng các bộ phận khác trong hệ thống miễn dịch, bao gồm tế bào T, có thể vẫn đang hoạt động hiệu quả.

Tại một hội nghị chuyên đề của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về bằng chứng Omicron né khả năng miễn dịch vào đầu tuần này, chuyên gia Wendy Burgers tại Đại học Cape Town, đã trình bày nghiên cứu sơ bộ cho thấy phản ứng tế bào T của cơ thể vẫn mạnh mẽ chống lại Omicron.

Tuy nhiên, điều đó vẫn còn là một câu hỏi khi Giám đốc y tế Quốc gia Anh nói trước Hạ viện rằng, vẫn còn thiếu nghiên cứu về "tế bào T" này để xác định xem thực tế có đúng như vậy không.

Cho đến nay, khoảng 44% dân số trưởng thành ở Nam Phi đã tiêm ít nhất một mũi, nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Phi nào khác nhưng vẫn còn thiếu so với mục tiêu cuối năm của chính phủ. Trong số những người trên 50 tuổi, mức độ bao vaccine là hơn 60%.

Trong khi cả thế giới vẫn đang theo dõi sát sao làn sóng Omicron ở Nam Phi để tìm bằng chứng về mức độ nguy hiểm của chủng mới này như thế nào, các chuyên gia cho rằng, nhiều quốc gia với dân số già hơn và dễ bị tổn thương hơn có thể sẽ phải trải qua làn sóng dịch mới với theo cách khác.