1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vaccine phòng Covid-19 và "cuộc chiến" ngầm

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp thì cuộc đua tìm vaccine phòng bệnh sẽ còn nóng hơn bao giờ hết.

Vaccine phòng Covid-19 và cuộc chiến ngầm - 1

"Cuộc đua ngầm" tìm kiếm vaccine phòng Covid-19 vẫn "nóng" trên quy mô toàn cầu. (Nguồn: India.com)

Những tín hiệu sáng

Theo kết quả được công bố trên Tạp chí Y khoa The Lancet, vaccine thử nghiệm AZD1222 do tập đoàn AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) và trường Đại học Oxford (Anh) phối hợp bào chế cho kết quả an toàn và tạo ra kháng thể ở người trong giai đoạn đầu cuộc thử nghiệm lâm sàng.

Cụ thể, vaccine AZD1222 không gây tác dụng phụ nghiêm trọng, tạo ra kháng thể mạnh và các phản ứng miễn dịch của tế bào T. Cuộc thử nghiệm này được tiến hành ở hơn 1.000 người trưởng thành tại Anh. Mặc dù vậy, các nhà khoa học cần tiến hành nghiên cứu thêm trước khi có thể xác nhận vaccine có thể bảo vệ hiệu quả và lâu dài trước virus SARS-CoV-2 hay không? 

 

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc thông báo vaccine Ad5-nCOV do công ty sản xuất vaccine CanSino Biologics và đơn vị nghiên cứu thuộc quân đội nước này hợp tác bào chế cũng chứng tỏ an toàn và tạo ra kháng thể ở đa số những người được tiêm một mũi. Kết quả được công bố sau khi các nhà nghiên cứu tiến hành giai đoạn hai cuộc thử nghiệm vaccine ở hơn 500 người tại Trung Quốc. 

Thông tin này đã giúp thúc đẩy các nhà nghiên cứu triển khai giai đoạn cuối của cuộc thử nghiệm vaccine ở quy mô rộng. Cuối tháng 6 vừa qua, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã "bật đèn xanh" cho phép quân đội sử dụng vaccine Ad5-nCOV trong thời hạn một năm dù vaccine này chưa bước vào giai đoạn cuối cuộc thử nghiệm lâm sàng. 

Trong khi đó, công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức và công ty dược phẩm lớn Pfizer của Mỹ công bố thêm thông tin về cuộc thử nghiệm giai đoạn đầu một loại vaccine Covid-19 cho thấy vaccine này an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch ở người. 

Hai công ty trên nêu rõ dữ liệu cho thấy vaccine thử nghiệm đã tạo ra các phản ứng của tế bào T ở mức cao chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Kết quả được công bố sau khi Đức tiến hành tiêm thử nghiệm hai liều vaccine lần lượt ở 60 tình nguyện viên khỏe mạnh.

Cuộc chiến ngầm

Trước những tín hiệu sáng về triển vọng có vaccine phòng ngừa đại dịch Covid-19, tờ L’Express coi đây là liều thuốc của hy vọng đang được cả thế giới mong đợi. Tờ báo đặt câu hỏi: “Có ai đặt mua sản phẩm khi còn chưa được sản xuất và không ai dám chắc bao giờ có hàng? Câu trả lời là có, nếu loại vaccine đó hiện vẫn còn ở trong giai đoạn nghiên cứu.

Thực tế là đang có rất nhiều quốc gia ký đơn đặt hàng trước với các nhà công nghiệp dược phẩm. Mục đích là để đón đầu khi các nghiên cứu vaccine cho ra sản phẩm có hiệu quả để người dân sử dụng.

Tờ báo đưa ra những con số chóng mặt về số tiền đặt trước: “Mỹ đã chi cho các phòng thí nghiệm tới 3,5 tỷ Euro. Công ty Novavax được nhận 1,4 tỷ Euro với cam kết vaccine phải được cung cấp cho thị trường Mỹ. Trong khi đó, châu Âu cũng không phải là ngoại lệ. Pháp, Đức, Italy và Hà Lan đã đặt trước với công ty Astra Zeneca để có 300 triệu liều”. Công ty này cũng đã nhận của Mỹ 1 tỷ Euro với cam kết cung cấp 300 triệu liều. Theo L’Express, những thỏa thuận giao kèo như vậy sẽ còn xuất hiện thêm nhiều trong những tuần, tháng tới.

Các quốc gia tính toán rằng, thiệt hại kinh tế do đại dịch sẽ còn lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền bỏ ra để đặt hàng các nhà công nghiệp dược phẩm. Tuy nhiên, việc làm này cũng đặt ra vấn đề. Liệu các nước có chấp nhận mất hết số tiền đặt nếu vaccine ra đời không có hiệu quả và giá thành sẽ ra sao, dù nhiều phòng thí nghiệm tuyên bố không lấy lãi trên sản phẩm này trong thời kỳ đại dịch.

Trong khi đó, một bài viết khác trên L’Express đặt câu hỏi làm thế nào để vaccine phòng Covid-19 của Viện Pasteur Pháp thành của Mỹ? Tuần báo này cho hay đến đầu tháng 8, vaccine phòng Covid-19 do Viện Pasteur của Pháp nghiên cứu sẽ lần đầu được thử nhiệm lâm sàng trên người.

Chưa biết kết quả ra sao nhưng cách đây vài tuần, một trong những công ty bào chế dược phẩm lớn nhất thế giới của Mỹ là Merck-MSD đã mua bản quyền của vaccine này. Chỉ có Merck mới có năng lực tài chính để tiến hành hoàn chỉnh các thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng và sản xuất hàng triệu triệu liều.

Như vậy có nghĩa là “vaccine trong tương lai, thành quả nghiên cứu ban đầu của người Pháp giờ thuộc về người Mỹ nắm quyền sản xuất, thương mại và cả lời lãi nếu có”.

Tờ báo cho biết thêm, các chuyên gia y học và cả giới chức cấp cao của Chính quyền Pháp đã phải can thiệp để một phần sản phẩm ra đời phải được dành cho người Pháp. Với L’Express, sự việc này là một thí dụ mới về việc Pháp luôn gặp khó khăn trong việc chuyển những phát hiện của các nhà khoa học của mình thành hiệu quả thương mại.

Theo Phương Nga

Thế giới & Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm