1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vắc xin Covid-19 có tác dụng bảo vệ hiệu quả trong bao lâu?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được cho đã ước tính khoảng thời gian cần tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19 để tăng khả năng bảo vệ loài người trước nguy cơ biến chủng mới của SARS-CoV-2 xuất hiện.

Vắc xin Covid-19 có tác dụng bảo vệ hiệu quả trong bao lâu? - 1

Thế giới đang tăng tốc tiêm chủng vắc xin Covid-19 trong nỗ lực chấm dứt dịch bệnh, vốn đã khiến 3,9 triệu người thiệt mạng (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn một tài liệu nội bộ của WHO mà hãng này tiếp cận được đưa tin, tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng, nhóm người dễ tổn thương nhất với Covid-19, ví dụ như người lớn tuổi, có thể sẽ cần phải tiêm nhắc vắc xin mỗi năm một lần, để có thể được bảo vệ trước các biến chủng của mầm bệnh.

Theo Reuters, tài liệu trên được đưa bàn luận với Liên minh Toàn cầu về vắc xin (GAVI) và những ước tính này có thể sẽ được thay đổi. Với những người bình thường, WHO dường như đang cân nhắc việc khuyến nghị tiêm nhắc vắc xin Covid-19 khoảng 2 năm/lần để tăng khả năng bảo vệ.

Trước đó, các nhà sản xuất vắc xin như Moderna (Mỹ), Pfizer-BioNTech (Mỹ-Đức) đã đưa ra quan điểm rằng, thế giới sẽ sớm cần các mũi tiêm nhắc để duy trì mức độ miễn dịch cao trước mầm bệnh nguy hiểm chết người. Tuy nhiên, Reuters cho biết, các bằng chứng cho nhận định này hiện chưa rõ ràng. Trên thực tế là các biến chủng của virus vẫn không ngừng xuất hiện và vắc xin được cho sẽ cần phải được cập nhật thường xuyên để đối phó với những mối đe dọa này.

WHO từ chối đưa ra bình luận về nội dung của tài liệu nội bộ trên. Trong khi đó, một phát ngôn viên của GAVI cho biết, chương trình chia sẻ vắc xin COVAX sẽ xem xét mọi kịch bản.

Theo Reuters, tài liệu nội bộ trên ghi ngày là 8/6 và "vẫn trong quá trình xây dựng". Nó đưa dự đoán rằng thế giới sẽ sản xuất 12 tỷ liều vắc xin Covid-19 trong năm 2022, cao hơn 1 tỷ liều so với con số ước tính trong năm nay.

Ngoài ra, tài liệu của WHO dường như đã vạch ra 2 kịch bản, tốt nhất và tồi tệ nhất về số vắc xin thế giới sẽ sản xuất trong năm sau. Theo đó, trong kịch bản xấu nhất, thế giới sẽ sản xuất được 6 tỷ liều vắc xin, và kịch bản tốt nhất là 16 tỷ liều.

Con số này là cần thiết để WHO có thể vạch ra kế hoạch vắc xin toàn cầu và các dự báo có thể thay đổi nếu có dữ liệu mới về tác dụng của việc tiêm nhắc vắc xin, cũng như thời gian bảo vệ của vắc xin.

Cho tới nay, thế giới đã tiêm chủng 2,5 tỷ liều vắc xin, chủ yếu là ở các nước giàu, với nhiều quốc gia, hơn một nửa dân số đã được tiêm ít nhất một liều. Trong khi đó, các nước nghèo vẫn đang chật vật tìm nguồn cung khi các nước giàu đã thu gom vắc xin từ trước.

WHO dường như dự đoán rằng, trong kịch bản tồi tệ nhất, chênh lệch về nguồn cung vắc xin giữa các nước giàu - nghèo có thể sẽ nới rộng nếu việc tiêm nhắc lại vắc xin với nhóm người dễ tổn thương cần phải thực hiện 1 năm/lần, vì khi đó, các nước giàu sẽ lại cần mua thêm vắc xin để thực hiện việc này, đẩy các nước nghèo tiếp tục xếp hàng chờ mua các chế phẩm ngăn dịch.