Ứng viên Tổng thống Nga: Tranh luận trên truyền hình giống "địa ngục"
(Dân trí) - Trong một sự kiện, ứng viên nữ duy nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Nga Ksenia Sobchak đã so sánh việc tham gia những cuộc tranh luận phát trực tiếp trên truyền hình giống phải xuống “tầng địa ngục thứ nhất”.
Trong buổi tiếp xúc với cử tri và người ủng hộ, cô Ksenia Sobchak, ứng cử viên đảng Sáng kiến dân sự (Civic Initiative) trong cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018 đã so sánh những cuộc tranh luận với các đối thủ khác trên truyền hình giống (phải xuống) “tầng địa ngục thứ nhất”. Cô còn thừa nhận cuộc bầu cử năm nay rất khó khăn.
Cô Sobchak cho biết nếu ai đó hỏi cô rằng cô có biết địa ngục như thế nào không, cô sẽ trả lời rằng “ít nhất tôi biết được tầng thứ nhất của địa ngục như thế nào. Đó chính là những cuộc tranh luận trong cuộc bầu cử năm 2018”.
Trong những cuộc tranh luận trên truyền hình bắt đầu từ ngày 26/2, cô Sobchak đã tranh luận gay gắt và liên tục bị đối thủ ngắt lời. Trong cuộc tranh luận tháng trước, sau khi bị ứng cử viên đảng Dân chủ Tự do Vladimir Zhirinovsky dùng những từ ngữ không phù hợp, cô Sobchak có hành động hắt nước vào ông Zhirinovsky để kiềm chế ông lại.
Hôm 14/3, cô Sobchak đã phải rời khỏi trường quay sau khi bật khóc trong cuộc tranh luận được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia Rossiya 1. Lý do là bởi cô liên tục bị các ứng viên khác, đặc biệt là ứng viên Zhirinovsky, ngắt lời
Bình luận về việc cô Sobchak bật khóc, ông Zhirinovsky cho rằng cô Sobchak khi tranh cử nên xác định tâm lý vững vàng và đối mặt những luật lệ cạnh tranh khắc nghiệt. Ông cho rằng chính trị không phải là cuộc trò chuyện giữa 2 người bạn mà là đối đầu và đấu tranh và nếu ai đó không thích ứng được, họ không nên bắt đầu sự nghiệp chính trị.
Bầu cử tổng thống Nga dự kiến diễn ra vào ngày 18/3. Cô Sobchak là ứng cử viên nữ duy nhất trong 8 ứng cử viên cho cuộc chạy đua tới ghế nóng trong năm nay. Cô từng “gây bão” trong dư luận và giới chính trị Nga khi có những phát ngôn gây tranh cãi về việc bán đảo Crimea sáp nhập với Nga hồi năm 2014. Tỉ lệ ủng hộ ứng cử viên này chỉ dao động vào khoảng 1-2%, theo Sputnik.
Đức Hoàng
Theo Sputnik