Ukraine tuyên bố tước đi "vũ khí" quan trọng của Nga
(Dân trí) - Kiev tuyên bố việc khóa van khí đốt của Nga đã tước đi một trong những công cụ còn lại của Moscow để gây sức ép với châu Âu.
"Ukraine đã cắt đứt không chỉ đường ống trung chuyển khí đốt của Nga. Chúng tôi đã cắt đứt một trong những đòn bẩy cuối cùng còn lại của Nga đối với châu Âu và việc Nga sử dụng năng lượng như một vũ khí", Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha bình luận trên mạng xã hội hôm 2/1.
Ông Sybiha cho rằng châu Âu và thế giới sẽ an toàn hơn nếu không có sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Hợp đồng về việc trung chuyển khí đốt của Nga cho các nước châu Âu qua Ukraine đã hết hạn vào ngày 1/1. Thỏa thuận này quy định về việc chuyển 40 tỷ mét khối khí đốt của Nga qua Ukraine hàng năm.
Tuy nhiên, việc Kiev từ chối gia hạn thỏa thuận đã buộc tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga phải dừng chuyển khí đốt vào sáng ngày 1/1.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thừa nhận việc không thể gia hạn hợp đồng mới cho việc trung chuyển khí đốt của Nga, vì không thể đạt được thỏa thuận chỉ vài ngày trước thềm năm mới. Trong khi đó, Kiev đã công bố kế hoạch dừng trung chuyển khí đốt của Nga.
Quyết định khóa van khí đốt được đưa ra trong bối cảnh sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga giảm đáng kể sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Tuy vậy, Slovakia và Hungary vẫn phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã phản đối quyết định của Ukraine.
Động thái này cho thấy chiến lược rộng hơn của Ukraine nhằm làm suy yếu ảnh hưởng kinh tế của Nga, đồng thời giảm khả năng của Moscow trong việc sử dụng năng lượng như một vũ khí chống lại châu Âu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 2/1 cáo buộc Mỹ là "bên hưởng lợi chính từ việc phân phối lại thị trường năng lượng và là bên bảo trợ chính cho cuộc khủng hoảng Ukraine".
"Nạn nhân đầu tiên trong chiến lược săn mồi của họ là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức", bà Zakharova nói thêm, đồng thời chỉ ra rằng vụ nổ đường ống dẫn khí Nord Stream vào tháng 9/2022 đã buộc Berlin phải mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ "với giá cao hơn đáng kể", dẫn đến việc đóng cửa nhiều ngành công nghiệp của Đức.
"Bây giờ, các quốc gia khác của Liên minh châu Âu, trước đây từng thành công về mặt kinh tế và độc lập, cũng sẽ phải trả giá cho sự bảo trợ của Mỹ", nhà ngoại giao Nga cho biết.
Bà Zakharova lưu ý rằng Kiev đã đưa ra quyết định trên ngay cả khi Gazprom đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng và thanh toán đủ phí trung chuyển, bất kể cuộc xung đột hiện tại giữa Ukraine và Nga. Bà cho biết động thái này sẽ tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân EU.
Ước tính mới nhất cho thấy, Nga dự kiến sẽ mất khoảng 5,2 tỷ USD/năm từ tiền khí đốt được vận chuyển đến châu Âu qua Ukraine.
Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (OIES), Nga phải phụ thuộc một phần vào hoạt động kinh doanh dầu khí vì cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Ngoài EU, xuất khẩu khí đốt lớn nhất của Nga qua các đường ống là sang Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus. Xuất khẩu LNG chủ yếu phụ thuộc vào doanh số bán hàng cho Trung Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc lại được chiết khấu tới 28% so với xuất khẩu sang châu Âu, nghĩa là Moscow thu được ít lợi nhuận hơn nhiều.